Bộ lọc loại bỏ các trường nghề yếu kém

Date: - View: 1264 - By:
TS HUỲNH THANH ĐIỀN/ SGGP 
 
 
Chủ trương thí điểm tự chủ tài chính được đặt ra trong Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, song đến nay cả nước mới chỉ có 4 trường nghề thí điểm về cơ chế tự chủ. Phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn e ngại khi lựa chọn mô hình này. 
Vai trò của tự chủ tài chính đối với lĩnh vực giáo dục là điều không cần bàn cãi. Trên thế giới, các trường thuộc tốp đầu luôn là các trường tư. Sự khác biệt cơ bản giữa trường công và trường tư là nguồn vốn đầu tư. 
Các trường công lập được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, theo đó người đứng đầu trường là người được nhà nước cử để quản lý phần vốn, có trách nhiệm và tự chủ toàn bộ đối với phát triển hoạt động đào tạo sao cho bảo toàn và gia tăng phần vốn. Tuy nhiên, thực tế lâu nay các trường công lập không được vận hành đúng nghĩa vốn có của nó.
Người đứng đầu nhà trường do “lệ thuộc” vào vốn nên đã “lệ thuộc” thêm nhiều mặt hoạt động khác: không được toàn quyền xác định mức học phí, đầu tư, bộ máy, bổ nhiệm, cơ chế lương thưởng, thậm chí ngay cả chương trình đào tạo… Trong khi đó, nguồn thu phải thực hiện theo quy định, thu nộp vào ngân sách rồi phải xin ngược trở lại để chi đầu tư, chi thường xuyên. 
Nhìn chung, mọi quyết sách đều phải xin ý kiến và chờ cơ quan chủ quản phê duyệt. Cơ chế này thường được gọi là cơ chế bao cấp, đã triệt tiêu tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu trường. Hệ quả giờ đây, vấn đề tự chủ tài chính được đặt ra, đưa các trường công về đúng với quỹ đạo của nó, nhưng luôn gặp nhiều trở ngại, chưa nhiều trường hưởng ứng. 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự e ngại này. Trong đó, các trường lo lắng khi tự chủ nếu không tuyển sinh đủ số lượng hòa vốn thì sẽ rất khó tồn tại. Từ trước đến nay, vì cơ chế bao cấp tài chính mà nhiều trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu vẫn tồn tại nhờ vào nguồn tài chính từ ngân sách. 
Và một vòng lẩn quẩn được tạo ra: không tự chủ nên kém năng động, sáng tạo và khó thu hút sinh viên; khó thu hút được sinh viên nên không mạnh dạn tự chủ tài chính. Các trường nghề lâu nay tồn tại trong cái vòng lẩn quẩn đó và hậu quả là đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.  
Các trường cũng đã sống quá ấm êm trong sự bảo bọc của ngân sách. Do vậy, không thể mong chờ các trường công lập tự nhận trách nhiệm tự chủ tài chính, mà cần có quy định các trường phải tự chủ trong một thời gian nhất định. Cần đặt ra lộ trình cụ thể hướng đến trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường nghề, nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm với người đứng đầu trường. 
Cơ quan chủ quản sở hữu chỉ nên quản lý ở vai trò kiểm tra, giám sát việc bảo tồn, phát triển vốn. Ở đây, cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sở hữu công của cơ quan chủ quản đối với các trường công lập, hiện nay hay nhầm lẫn 2 chức năng này. Trong đó, chức năng quản lý nhà nước là quản lý tính tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động đào tạo nghề. Chức năng sở hữu nhà nước cũng dừng lại ở việc quản lý bảo toàn và phát triển vốn, không can dự vào công tác quản trị nội bộ của trường. 
Việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính cho tất cả trường nghề công lập sẽ tạo ra một “bộ lọc” hữu hiệu loại bỏ các trường nghề không phù hợp, yếu kém; không cần “vẽ” thêm các loại quy hoạch về trường nghề một cách cứng nhắc theo địa giới hành chính. Chỉ có tự chủ mới tạo ra động lực để các trường nghề đổi mới nhằm thu hút học viên và đào tạo ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu xã hội. Khi đó, cũng không còn tình trạng lãng phí đầu tư (xây cơ sở, mua thiết bị tốn kém nhưng không tuyển sinh được).
LIÊN KẾT
FANPAGE