Cà phê cuối tuần: Tiền gửi… bỗng nhiên bị mất và ứng xử của ngân hàng

Date: - View: 1322 - By:
TS. HUỲNH THANH ĐIỀN-
thegioitiepthi.vn Các vụ mất tiền gửi trong ngân hàng xảy ra ngày càng nhiều, với số tiền mất ngày càng lớn, cho thấy hoạt động quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế. Nếu cách ứng xử của ngân hàng không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền đối với cả hệ thống ngân hàng.
 

Những năm gần đây xảy ra khá nhiều vụ mất tiền gửi trong ngân hàng, số tiền mất ngày càng ngày càng nhiều. Chẳng hạn như cuối năm 2016, một nữ khách hàng ở Đà Lạt, trình báo mất 32 tỷ đồng tiền tiết kiệm ở một ngân hàng. Cuối năm 2017 một phụ nữ ở Hà Nội đã khiếu nại việc mình không rút tiền nhưng đã bị mất gần 9 tỷ đồng tiền gửi. Rồi đến vụ ngân hàng gửi hàng loạt tin nhắn tới điện thoại của khách hàng báo tin các giao dịch rút tiền qua máy ATM đã thực hiện thành công vào lúc khuya.

 

Nhìn chung, có hai dạng rủi ro mất tiền gửi ở ngân thường thấy: tiền trong tài khoản bỗng nhiên bị rút, bị mất mà mình không thực hiện việc rút tiền đó; tiền gửi tiết kiệm bị rút trong khi mình không thực hiện giao dịch, không uỷ quyền cho người khác thực hiện, mà người khác làm giả uỷ quyền thực hiện rút tiền. Hoặc là gửi tiền nhưng không để ý nhận sổ tiết kiệm không hợp lệ, đến khi rút tiền thì không được. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro mất tiền gửi đến từ sự yếu kém trong quản lý rủi ro của các ngân hàng nói chung, đối với hoạt động tiền gửi, cũng như sự thiếu thận trong hoạt động của người gửi tiền.

Sự yếu kém của ngân hàng biểu hiện qua việc chưa đảm bảo các biện pháp an ninh mạng, để các các máy ATM bị nhiễm mã đọc rồi thực hiện các lệnh rút tiền của hacker. Nhất là các máy ATM sử dụng hệ điều hành không có bản quyền, sử dụng phần mềm bẻ khoá thường đi kèm theo mã độc. Mặt khác, hệ thống quản lý an toàn thông tin của ngân hàng chưa tốt, chưa chú trọng đến trang bị kỹ năng và thắt chặt kỷ cương bảo mật thông tin của nhân viên ngân hàng nên để thông tin của khách hàng bị đánh cắp. Thêm nữa, hệ thống quản lý rủi ro hoạt động gửi tiền ngân hàng chưa tuân thủ các nguyên tắt kiểm soát giữa các khâu trong giao dịch gửi tiền nên dễ dẫn đến rủi ro mất tiền gửi của khách hàng.

Bên cạnh đó, người gửi không cẩn thận để lộ thông tin thẻ, mật mã cá nhân hoặc đặt mật khẩu cá nhân dễ dự đoán (đặt trùng với ngày sinh, số điện thoại, số chứng minh nhân dân của mình,...). Bị đánh cắp thông tin khi thực hiện giao dịch trực tuyến trên thiết bị không được cài đặt phần mềm chống virut, giao dịch qua thẻ ATM trên những máy bị cài đặt thiết bị đánh cắp thông tin, AMT bị nhiễm mã độc.

Đặc biệt là đối với các khách hàng VIP, vì quá tin tưởng, thân quen với nhân viên ngân hàng mà nhiều khách hàng nhờ họ đến nhà lấy tiền về ngân hàng gửi. Có trường hợp đem tiền đến nói với nhân viên mở sổ tiết kiệm, sau đó quay lại lấy sau. Thậm chí có khách hàng ký sẵn trước giấy tờ giao dịch để cho nhân viên ngân hàng thực hiện lệnh giao dịch, nhiều khi nhân viên ngân hàng đưa giấy tờ vẫn ký mà không đọc kỹ nội dung, hằng tháng cũng không đối chiếu kiểm tra số dư, cũng không đến ngân hàng để kiểm tra số dư,…

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách hàng. Nếu ngân hàng từ chối trách nhiệm thì hậu quả sẽ rất lớn không chỉ đối với ngân hàng đó mà còn nguy hại đến cả hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của người gửi tiền. Do vậy, ngân hàng cần dũng cảm nhận trách nhiệm và bồi thường để xoa dịu khách hàng, rồi nghĩ đến cách củng cố an ninh tiền gửi cho khách hàng tại ngân hàng của mình.

Để tránh rủi ro mất tiền của khách hàng, ngân hàng quan tâm nhiều hơn đến quản lý rủi ro nói chung, rủi ro giao dịch tiền gửi nói riêng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin đảm bảo kiểm soát chặt về an ninh mạng, bảo mật hệ thống thông tin và trang bị kỹ năng bảo mật thông tin khách hàng cho nhân viên.

Đối với hoạt động gửi tiền cần tuân thủ quy trình chặt chẽ kiểm soát lẫn nhau từ khâu tiếp nhận tiền gửi, nộp quỹ đến đưa sổ tiết kiệm cho khách hàng. Quá trình gửi và nhận tiền, đến giao sổ tiết kiệm đều cập nhật tức thì lên hệ thống. Đồng thời quá trình tiếp nhận tiền gửi cần đảm bảo 3 vòng bảo vệ: kiểm soát nhân viên tiếp nhận tiền gửi, kiểm soát quỹ, và hậu kiểm định kỳ, đột xuất đối với các giao dịch tiền gửi.

Bên cạnh đó, người gửi cần cẩn thận, không để lộ thông tin liên quan đến tài khoản cá nhân; cẩn thận khi rút tiền tại máy ATM tránh các thiết bị cài đặt đánh cắp thông tin, cẩn trọng hơn khi giao dịch thanh toán trực tuyến trên các thiết bị không có cài đặt phần mềm phòng chống virus, tránh cung cấp thông tin, mật mã qua các mạng xã hội (Facebook, Skype, Viber, Zalo). Luôn ý thức nâng cao cảnh giác nhằm tránh bị người khác lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo rút tiền gửi của mình, nhất là đối với nhân viên của ngân hàng. Cần đến gửi tiền trực tiếp tại quầy, không ký sẵn chứng từ cho các nhân viên ngânh hàng, kiểm tra chi tiết nội dung sổ tiết kiệm, kiểm tra số dư thường xuyên và bảo quản số tiết kiện cẩn thận.

Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN

Khi tiền gửi của khách hàng bị mất (giả sử bỏ qua các các trường hợp khách hàng cố tình bịa đặt ra việc mình bị mất tiền), cho dù bất kỳ nguyên nhân gì, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu nhân viên ngân hàng làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền của khách hàng, thì trách nhiệm đó cũng thuộc về ngân hàng. Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém của mình không quản lý, kiểm soát hoạt động của nhân viên trong quá trình tiếp nhận và quản lý tiền gửi. Nếu do máy ATM bị nhiễm mã độc, nhân viên sơ xuất không tuân thủ quy trình quản lý an toàn thông tin dẫn đến để lộ thông tin khách hàng, bị hacker tấn công rút tiền của khách hàng thì cũng là lỗi của ngân hàng trong việc đảm bảo an ninh mạng.

http://thegioitiepthi.vn/p/ca-phe-cuoi-tuan-tien-gui…-bong-nhien-bi-mat-va-ung-xu-cua-ngan-hang-3247.html

LIÊN KẾT
FANPAGE