Chi phí mặt bằng, nhiên liệu là hai hạng mục chi phí quan trọng của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Khi các chi phí này tăng, sẽ dẫn đến tăng giá thành, giá bán của phần lớn các mặt hàng trong nền kinh tế, là biểu hiện của lạm phát. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, buộc lòng chính phủ phải tìm cách tăng thu nên sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đe doạ đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Hiện nay, nền kinh tế đang có đầy đủ các dấu hiệu dẫn đến lạm phát. Tăng trưởng kinh tế giảm (suy thoái), thất nghiệp là biểu hiện của khủng hoảng kinh tế sắp đến gần nếu không kịp thời có những biện pháp ngăn chặn.
Giá bất động sản tại các đô thị lớn của Việt Nam thuộc vào top cao trên thế giới. Những tháng đầu năm 2018 xuất hiện hiện tượng sốt đất ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đặc địa phương đang dự kiến xây dựng các đặc khu kinh tế, sân bay… Nguyên nhân chủ yếu của “sốt giá đất” là do đầu cơ. Bất động sản bị các nhà đầu cơ nắm giữ trong trạng thái “đóng băng”, chờ tăng giá nên càng tạo ra sự khan hiếm mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng chi phí thuê mặt của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục tăng qua nhiều đợt điều chỉnh giá, tạo áp lực tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, chi phí cuộc sống của người. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hàng hoá nhập khẩu liên tục tăng với giá cạnh tranh hơn, chất lượng tốt hơn càng làm cho hàng hoá trong nước gặp phải khó khăn hơn. Khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, họ sẽ thu hẹp sản xuất và rút vốn để chuyển sang các hoạt động đầu cơ – là hoạt động đang được thực hiện rất dễ dàng, không phải bị đánh thuế và giao dịch rất sôi động.
Đáng chú ý là dòng tín dụng có thể sẽ chạy vào hoạt động đầu cơ (nhất là đầu cơ bất động sản) bởi vay đầu cơ được thế chấp bằng chính bất động sản đầu cơ trong bối cảnh sốt giá đất nên tiềm năng tăng giá cao, dễ dàng thuyết phục ngân hàng cho vay hơn so với vay đầu tư sản xuất kinh doanh thế chấp bằng máy móc thiết bị dễ bị hao mòn hữu hình lẫn vô hình.
Trong bối cảnh ngân sách chính phủ ngày càng eo hẹp, các biện pháp gia tăng nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục tạo áp lực lên doanh nghiệp, cũng như áp lực tăng giá trong nền kinh tế. Trong thời gian qua, hàng loạt các đề xuất tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng phí dịch vụ công,… cho thấy việc thắt chặt tài khoá là “bất đắt dĩ”. Trong khi đó, với áp lực cải cách tiền lương theo hướng tăng lương cho cán bộ công chức gắn liền với tinh giảm bộ máy (theo nghị quyết trung ương 7 vừa qua) càng tạo thêm áp lực cho nguồn thu ngân sách. Bởi việc tăng lương buộc phải thực hiện trước để tạo không khí cho chính sách cải cách lương, còn tinh giảm biên chế không thể thực hiện trong thời gian ngắn.
Trước những dấu hiệu cho thấy bất ổn của nền kinh tế, cần có những giải pháp sửa chữa kịp thời. Trước hết, tập trung vào các biện pháp ngăn chặn đầu cơ theo nguyên tắc đầu cơ phải trả tiền và tham gia đầu cơ sẽ khó khăn hơn hoạt động đầu tư thực. Theo đó, phải đánh thuế cao, thậm chí là thuế chồng thuế, phí chồng phí đối với các hành vi đầu cơ. Song song đó, cần tạo ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn đối với các hoạt động đầu tư thực thông qua quy định thuế thấp hơn, nhiều chính sách trợ giúp và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, cần tạo ra các kênh huy động vốn nhàn rỗi vào các hoạt động đầu tư thực, chẳng hạn như phát triển các quỹ đầu tư để huy động vốn nhàn rỗi đầu tư cho các dự án sản xuất kinh doanh thực. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần định hướng dòng tín dụng đi vào sản xuất theo nguyên tắc lãi suất cho vay đối với hoạt động đầu cơ luôn cao hơn so với hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc ban hành những quy định khắt khe về điều kiện xét cho vay đối với mục đích đầu cơ.