https://www.gso.gov.vn/ItemPreview.aspx?ItemID=19272
Doanh nghiệp là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XII đã ban hành 02 Nghị quyết về doanh nghiệp: Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết 12/NQ/TW 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã ban hành các chính sách, Nghị quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực doanh nghiệp như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ (nay là các Nghị quyết số 02/NQ-CP hằng năm của Chính phủ) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020. Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế. Hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động, trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành và các địa phương, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cả nước và các địa phương. Tại thời điểm 31/12/2018 số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước đã đạt tới con số 714.755 doanh nghiệp, đặc biệt số lượng doanh nghiệp thành lập mới cả nước đã tăng nhanh trong thời gian qua. Ba năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều trên 100 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay (năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp; năm 2017 có 126.859 doanh nghiệp và năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp). Để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2019 Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn và công bố “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam” thường niên. Đây là lần đầu tiên, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam được biên soạn và công bố. Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 4 phần: (1) Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; (2) Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; (3) Các giải pháp phát triển doanh nghiệp; (4) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Toàn quốc); (5) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Địa phương). Đồng thời Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của cả nước và các địa phương. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam thường niên sẽ cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương, từ đó giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam là nguồn thông tin hữu ích cho các tổ chức quốc tế, các nước, các doanh nghiệp trong đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác. Để biên soạn thành công cuốn sách này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong việc khai thác và sử dụng các nguồn thông tin phong phú, đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy để biên soạn Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê điều tra hàng năm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); cơ sở dữ liệu thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài Chính) và các nguồn thông tin khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng cám ơn đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo biên soạn Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019; trân trọng cám ơn Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cung cấp thông tin và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn cuốn sách này. Tại Lễ Công bố và Họp báo hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo các tài liệu, thông tin về Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 để phóng viên, biên tập viên và người dùng tin có thể khai thác và sử dụng như sau: 1. Các báo cáo về Sách trắng công bố tại Lễ công bố và Họp báo hôm nay được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.mpi.gov.vn) và Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn), gồm: (1) Thông cáo báo chí Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019; (2) Tóm tắt nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019; (3) Infographics về doanh nghiệp Việt Nam. 2. Kế hoạch xuất bản và phát hành Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 (1) Ngày 22 tháng 7 năm 2019: Công bố công khai ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019” trên Trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê; (2) Ngày 01 tháng 8 năm 2019: phát hành bản in ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019”. MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA SÁCH TRẮNG DOANH NGHIỆP VIỆT NAM NĂM 2019 1. Doanh nghiệp đang hoạt động[1]Theo địa phương: Có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước, trong đó: Bình Dương tăng 17,4%; Bắc Giang tăng 15,7%; Sóc Trăng tăng 15,4%; Bắc Ninh tăng 15%; Long An tăng 13,6%; Hưng Yên tăng 13,4%; Bạc Liêu tăng 13,2%; Vĩnh Phúc tăng 12,8%; Quảng Nam tăng 12,6%; Đồng Nai tăng 12,5%; Thanh Hóa tăng 12,2%… Có 37/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó: Hà Giang tăng 0,3%; Bắc Kạn tăng 1,5%; An Giang tăng 1,9%; Cà Mau tăng 2,1%; Lai Châu tăng 2,6%; Hậu Giang tăng 3%; Nghệ An tăng 3,5%; Điện Biên và Vĩnh Long tăng 4%…(xếp hạng số doanh nghiệp đang hoạt động và tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động theo địa phương đưa ra trong biểu đồ 1 và 2). 2. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1000 dân trong độ tuổi lao độngNăm 2018 bình quân cả nước có 14,7 DN đang hoạt động trên 1000 dân số trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh 54,4 DN; Hà Nội 41,1 DN; Đà Nẵng 38,6 DN; Hải Phòng 22,5 DN; Bình Dương 21,7 DN; Bà Rịa – Vũng Tàu 17,4 DN; Bắc Ninh 16,9 DN và Khánh Hòa 16,2 DN. Có 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang 2,3 DN; Sơn La 2,5 DN; Tuyên Quang 3,0 DN; Cao Bằng 3,1 DN; Điện Biên và Bắc Kạn cùng 3,2 DN; Yên Bái và Đồng Tháp cùng 3,3 DN; Trà Vinh 3,5 DN và Sóc Trăng 3,6 DN (xếp hạng mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân các địa phương đưa ra trong biểu đồ 3). 3. Doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh[2] Tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016. Theo khu vực kinh tế: Tại thời điểm 31/12/2017 khu vực dịch vụ hiện có số DN đang hoạt động có kết quả SXKD nhiều nhất với 390.765 DN, tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng có 164.189 DN, tăng 12,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 5.463 DN, tăng 22,8%. Theo loại hình DN: Khu vực DN nhà nước[3] có 2.486 DN đang hoạt động có kết quả SXKD (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước có 1.204), chiếm 0,4% số DN cả nước, giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực DN ngoài nhà nước có 541.753 DN, chiếm 96,7% số DN cả nước, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 DN, chiếm 2,9% số DN cả nước, tăng 15,5%. Theo địa phương: Có 40 địa phương có tốc độ tăng số DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Bắc Giang tăng 33,7%; Hà Nam tăng 32%; Bắc Ninh tăng 28,6%; Hưng Yên tăng 28,2%; Hải Dương tăng 25,5%; Vĩnh Phúc tăng 25%... Có 20/63 địa phương có tốc độ tăng số DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Lai Châu tăng 1,4%; Hậu Giang tăng 1,8%; Đăk Nông tăng 2,1%; Kon Tum tăng 3,3%; Yên Bái tăng 3,4%... Có 3/63 địa phương có số DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 giảm gồm: Hà Giang giảm 1,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 1,3%; Điện Biên giảm 1,1%. 4. Lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanhTại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016. Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù có số DN không nhiều nhưng thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động, chiếm 64,4% lao động toàn bộ khu vực DN, tăng 2,8% so với năm 2016. Khu vực dịch vụ có tỷ trọng số DN lớn nhất trong toàn bộ khu vực DN nhưng thu hút lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng với 4,9 triệu lao động, chiếm 33,8%, tăng 5,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ thu hút được hơn 256,7 nghìn lao động, chiếm 1,8% lao động của toàn bộ DN, tăng 2,3% so với năm 2016. Theo loại hình DN: Tại thời điểm 31/12/2017 số lao động làm việc trong khu vực DN nhà nước là 1,2 triệu người (trong đó lao động làm việc trong khu vực DN 100% vốn nhà nước là 704,6 nghìn người), chiếm 8,3% lao động toàn bộ khu vực DN, giảm 6,5% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6%, tăng 2,7%; khu vực DN FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1%, tăng 8,6%. Theo địa phương: Có 32/63 địa phương có tốc độ tăng lao động trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD cao hơn mức tăng chung cả nước. Các địa phương có tốc độ tăng lao động trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 so với năm 2016 trên 10% gồm: Bắc Ninh tăng 20,7%; Vĩnh Phúc tăng 16,6%; Yên Bái tăng 15,4%; Hậu Giang tăng 13,4%; Bắc Giang tăng 11,4%. Có 18/63 địa phương có tốc độ tăng lao động trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD thấp hơn mức tăng chung cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,1%; Kon Tum tăng 0,2%; Cao Bằng tăng 0,3%; Bình Thuận tăng 0,6%; Sơn La tăng 0,7%...(xếp hạng số lượng lao động và tốc độ tăng số lượng lao động trong DN năm 2017 các địa phương đưa ra trong biểu đồ 4 và 5). BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ [1] Là những DN được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký DN, có mã số thuế, đang thực hiện việc kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. DN đang hoạt động không bao gồm DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN hoàn tất thủ tục giải thể. [2] Là DN trong năm tiến hành hoạt động SXKD, có kết quả tạo ra hàng hóa, dịch vụ và có doanh thu hoặc phát sinh chi phí SXKD. Thuật ngữ này không bao gồm DN đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động SXKD; DN đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động SXKD, không phát sinh doanh thu, chi phí SXKD; DN tạm ngừng và ngừng hoạt độngcó thời hạn... [3] Bao gồm Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước; Công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn Nhà nước lớn hơn 50%. Doanh nghiệp khu vực nhà nước trong ấn phẩm này quy ước bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1,2,3,4.
XẾP HẠNG MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Biểu đồ 1: Số doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 của các địa phương Biểu đồ 2: Tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2018 so với 2017 của các địa phương Biểu đồ 3: Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 bình quân trên 1000 dân trong độ tuổi lao động của các địa phương Biểu đồ 4: Số lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh thời điểm 31/12/2017 của các địa phương Biểu đồ 5: Tốc độ tăng số lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 so với 2016 của các địa phương |
||||||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Toàn văn
https://drive.google.com/open?id=1btDkxHiB0ioj-Opu_ztFsfF8UywkkwPi
https://drive.google.com/file/d/1Ves9cfzpeVKeb1ghBMY0Y7SJJmacy73H/view?usp=sharing
Tóm tắt
https://drive.google.com/open?id=1q0jH49AA6cM172UcXZA0CSSO_oJw-ic8