Đại dịch Covid-19 dẫn đến những thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu…Đặc biệt là xu hướng hình thành chợ online.
Chợ online đang phát triển mạnh. Ảnh: Shalion
Ngày càng nhiều chợ online
TS Huỳnh Thanh Điền, trưởng bộ môn kinh tế và phương pháp nghiên cứu, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, đợt giãn cách xã hội vừa qua, các chợ truyền thống bị thu hẹp, chợ tự phát ngưng hoạt động hẳn, những người buôn bán và người mua vẫn có cách giao dịch, bởi từ trước các nhóm chợ trên mạng xã hội đã có nhưng lúc trước chưa thu hút được nhiều người tham gia.
Trong các đợt giãn cách xã hội người ta vẫn mua được lương thực, thực phẩm và đồ dùng gia đình trên các chợ online, không nhất thiết phải đến siêu thị để xếp hàng chờ. Khi đã tiếp cận và quen với chợ online ai cũng có thể đăng sản phẩm mình cần bán và ai cũng có thể tìm sản phẩm mình cần mua mà không cần gặp trực tiếp. Giao hàng có lực lượng lao động tự do đảm nhận. Người mua, người bán, người giao hàng đều cảm nhận được có lợi và thấy được tiện ích của chúng.
Việc thanh toán được chuyển khoản nhanh chóng. Có thể các chợ tự phát và chợ truyền thống sẽ dần dần bị thu hẹp và thay thế bằng hình thức buôn bán thông qua các nhóm chợ quận, huyện trên mạng xã hội.
Xu hướng chuyển đổi số cũng đang diễn ra khá nhanh, theo TS Huỳnh Thanh Điền: "Nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến thay đổi phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh. sao cho thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Công nghệ số là mấu chốt để thay đổi. Doanh nghiệp nhận ra hành vi tìm kiếm thông tin sản phẩm, đặt hàng, nhận hàng, kiểm soát chất lượng từ xa của khách hàng. Theo đó, sản phẩm dịch vụ sẽ được định vị lại cho phù hợp với nhu cầu đó. Chẳng hạn như để giao hàng thông qua người vận chuyển trung gian thì sản phẩm phải được thiết kế, đóng gói, hướng dẫn lắp đặt, sử dụng phù hợp".
Tương tự, khách hàng cũng bắt đầu thay đổi thói quen tìm kiếm thông tin sản phẩm qua những kênh mới, nên doanh nghiệp phải thay đổi phương pháp xúc tiến cho phù hợp. Khách hàng không thể đến nơi sản xuất để kiểm tra chất lượng sản phẩm, buộc lòng doanh nghiệp phải có hệ thống thông tin kết nối với họ để kiểm soát chất lượng từ xa,…Những thay đổi đó đòi hỏi có đội ngũ nhân sự thích ứng.
Đặc biệt nhất, theo TS Huỳnh Thanh Điền, các thủ tục hành chính trực tuyến được đẩy mạnh chưa từng thấy trong thời gian diễn ra dịch Covid như bảo hiểm y tế, kê khai quyết toán thuế, thủ tục hải quan, khai báo y tế, đăng ký doanh nghiệp…đã được sử dụng triệt để. Người dân và doanh nghiệp đã hình thành được thói quen này nên việc quản trị nhà nước từ xa sẽ đơn giản và hiệu quả trong tương lai.
Trung tâm Quản lý Điều hành Giao thông Đô thị ở TP.HCM. Ảnh: Như Ngọc
Đại dịch Covid là tác nhân của mọi sự thay đổi đã dần hình thành từ trước. Mấu chốt của sự thay đổi này là quá trình chuyển số. Dịch Covid đưa con người đến gần hơn, thân thiện hơn với công nghệ số để định hình tương lai của tất cả các chủ thể và các hoạt động trong nền kinh tế.
Khó khăn vẫn đang ở phía trước
TS Lê Thị Ánh Tuyết, trưởng bộ môn kinh tế học ứng dụng, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đại dịch đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ đại suy thoái 1929-1933; gây ra tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động lớn đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc phòng chống đại dịch này là chưa có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Dưới tác động của dịch Covid-19, các nước lớn đều gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội và buộc phải điều chỉnh ưu tiên đối nội và đối ngoại.
TS Lê Thị Ánh Tuyết cảnh báo: “Khó khăn vẫn ở phía trước, thậm chí khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có thể còn chưa đến vì các doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu, chưa quen với những đứt đoạn toàn cầu. Hơn nữa, thế giới hiện vẫn đang chưa nối lại được chuỗi cung ứng, nền kinh tế có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam là Trung Quốc đang phải chịu tai họa kép từ cả Covid và cuộc chiến thương mại. Những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam”.
Tuy nhiên, TS Ánh Tuyết cũng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cũng có lợi thế chứ không phải chỉ có yếu thế. Lợi thế là càng nhỏ thì tính linh hoạt càng cao, tính xoay trở càng dễ dàng hơn. Đây là điểm mà Việt Nam nên tận dụng.
Trung tâm phòng chống dịch trở thành Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh Quận 7. Ảnh: Như Ngọc
Cách mạng công nghiệp 4.0 được định hình và phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua, đã phát huy được vai trò và hiệu quả to lớn trong đối phó với đại dịch lần này, do đó TS Lê Thị Ánh Tuyết cho rằng, sẽ có những điều kiện rất thuận lợi để có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể tái phát và sự xuất hiện của các dịch bệnh tương tự trong tương lai, quá trình chuyển đổi công nghệ sẽ xoay quanh việc tạo ra một số mô hình hoạt động trong một xã hội giảm tiếp xúc.
Xu hướng tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc, xuất hiện thêm nhiều các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số. Các loại hình điện tử, trực tuyến dựa trên nền tảng internet sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, như chính phủ điện tử, thương mại điện tử, làm việc trực tuyến tại nhà, học trực tuyến từ xa…
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được các nước chú trọng tăng cường đầu tư, đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Công nghệ thông tin, đặc biệt là kết nối 5G, 6G sẽ được quan tâm phát triển nhanh hơn nữa. Công nghệ tự động hóa với việc sử dụng người máy và quá trình tự động hóa sản xuất, điều khiển hoạt động từ xa, phương tiện không người lái sẽ có bước phát triển nhảy vọt.
TS Lê Thị Ánh Tuyết khẳng định: “Kinh tế số sẽ tạo ra luật chơi mới và yêu cầu các doanh nghiệp phải có sáng tạo, thích ứng nhanh nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là thời cơ lớn để Việt Nam tích cực tham gia và có được vị trí cao hơn trong lĩnh vực này, qua đó phát huy vai trò của cạnh mạng công nghiệp 4.0 như một định hướng phát triển quan trọng của đất nước”.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã kịp thời có những định hướng chiến lược để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng còn không ít hạn chế, môi trường pháp lý cho các lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số chưa được hoàn thiện, đặc biệt là thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là trở ngại lớn nhất, chưa thể tạo ra lợi thế so với các nước trong khu vực.
N.Nguyệt