Cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ

Date: - View: 1185 - By:

Các ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) đang vướng mắc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP.HCM đi vào chiều sâu. 

Đó là những yêu cầu đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đưa ra sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi tọa đàm "Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM" do UBND TP.HCM chủ trì.

Theo số liệu tổng hợp, DN nhỏ và vừa tại TP.HCM chiếm 95% trong tổng số DN đang đóng trên địa bàn, chiếm 42% về số lượng lao động toàn ngành công nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 21% doanh thu, 6,7% lợi nhuận và 9,8% về nộp ngân sách. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của DN nhỏ và vừa là 1,8% so với toàn ngành là 6,9%.

Cho thấy một thực tế ngành CNHT của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay vừa thiếu, vừa yếu. Nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia nhận định là do các chính sách khuyến khích phát triển CNHT hiện nay không trực tiếp và chưa sát với đặc thù lĩnh vực CNHT.

Các chính sách này không có ưu đãi hơn so với các chính sách hiện hành áp dụng chung cho các ngành khác. Đồng thời việc tiếp cận các hỗ trợ này cũng rất khó khăn đối với DN, do có nhiều quy định bất cập.

TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân hạn chế việc phát triển CNHT trên địa bàn Thành phố thời gian qua. Từ rào cản về thị trường, công nghệ, các vấn đề thu hút DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, cho đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn vay, phát triển CNHT từ trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện.

Trong tham luận "Kinh nghiệm phát triển CNHT của các nước trên thế giới và đề xuất chính sách cho TP.HCM", TS. Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM đề nghị thành phố xác định các sản phẩm công nghiệp chính là gì, vì "khi xác định được các sản phẩm công nghiệp chính thì việc xác định các sản phẩm CNHT sẽ dễ dàng hơn do bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố lựa chọn tương đối rộng".

Tại tọa đàm, đại diện Ban quản lý KCX - KCN TP.HCM, kiến nghị, UBND TP.HCM cần tăng thời gian thuê đất từ 50 năm lên 70 năm, thời gian miễn tiền thuê đất từ 11 năm lên 20 năm cho các công ty đầu tư phát triển hạ tầng, nhằm giúp tiết giảm giá cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ phát đầu tư vào các KCN.

LÊ LOAN/DNSG
LIÊN KẾT
FANPAGE