Để TP.HCM phục hồi kinh tế là “chuyện trong tầm tay”

Date: - View: 684 - By:

(NB&CL) Trong cuộc trò chuyện cùng Báo Nhà báo & Công luận, TS. Huỳnh Thanh Điền - giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ niềm tin rằng, dù hứng chịu sự bào mòn mạnh mẽ của làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần 4, TP.HCM vẫn còn đó những tín hiệu lạc quan, tiềm năng để lấy lại sức sống về kinh tế.

 

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, điều quan trọng nhất mà TP.HCM cần làm ngay lúc này là tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, khơi thông hàng hóa.

+ Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn nhất trong 30 năm qua, theo ông, “đầu tàu” kinh tế của cả nước còn những dư địa, tiềm năng nào để có thể phục hồi?

- Thực tế, nền kinh tế thế giới trong đợt dịch COVID-19 lần 4 không hề suy giảm, đồng nghĩa với việc nhu cầu thị trường quốc tế rất lớn. Chúng ta không gặp khó về thị trường.

de tphcm phuc hoi kinh te la chuyen trong tam tay hinh 1

TS. Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành.

Bên cạnh đó, cần phải hiểu rõ quy lật “nước chảy về chỗ trũng”. Hiện, những nước phát triển của châu Âu hay “con rồng châu Á” đã bão hòa nên khó tăng trưởng cao. Từ đó, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang các nước còn dư địa, tiềm lực tăng trưởng tốt như Việt Nam và một số nước ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, nước ta vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác về nguồn nhân lực, chi phí nhân công thấp. Những kỳ vọng về giao thông, pháp lý, thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam cũng đang được cải thiện. Cùng với đó, chúng ta có các điểm tương đồng với Trung Quốc khiến việc chuyển dịch những nhà máy từ đất nước tỷ dân sang Việt Nam sẽ đơn giản, nhanh chóng hơn.

+ Thưa ông, TP.HCM cần làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, thu hút nguồn vốn FDI, để họ chọn chúng ta làm “đại bản doanh”, để biến những tiềm năng trên thành sức mạnh vực dậy nền kinh tế?

- Vấn đề quan trọng và đơn giản nhất chính là phải tạo mọi điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư ngoại. Đừng “đắp đập” ngăn “nước” chảy về. Phải khơi thông sản xuất cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động lại, kinh tế TP.HCM sẽ tăng theo.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… mới có thể liên kết với FDI, gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.

+ Trong bối cảnh “bình thường mới”, các doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất kinh doanh. Theo ông, những lực đẩy quan trọng nào của chính quyền TP.HCM sẽ tạo đà giúp các doanh nghiệp sớm “trở lại đường đua”?

- Muốn phục hồi kinh tế, tuyệt đối không được “ngăn sông cấm chợ” hay bắt doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Phải thật sự mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp sản xuất. Song, phải có sự tính toán kỹ lưỡng, tránh “mở rồi lại đóng” như đối với các dịch vụ karaoke, spa, vũ trường… vừa rồi, dẫn đến tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp.

de tphcm phuc hoi kinh te la chuyen trong tam tay hinh 2

TP.HCM cần tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất – Nguồn: Kỳ Hoa

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho doanh nghiệp lớn. Khi các doanh nghiệp lớn hoạt động, doanh nghiệp nhỏ sẽ “sống” theo. Vì thế, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia vào những chương trình đầu tư công. Đặc biệt, các chương trình dự án công trước đây thực hiện chậm cần phải đẩy nhanh tiến độ, tạo công ăn việc làm cho những người có liên quan, kinh tế từ đó sẽ phục hồi.

Về vấn đề giảm thuế, việc giảm thuế thu nhập không có ý nghĩa với các doanh nghiệp vào giai đoạn này, vì phần lớn họ đang rơi vào tình trạng thua lỗ. Nhưng giảm thuế VAT lại vô cùng ý nghĩa về mặt kích cầu. Khi người tiêu dùng được giảm bớt gánh nặng, hàng hóa có thể được tiêu thụ nhiều hơn.

Vấn đề không kém phần quan trọng là thành phố phải quyết liệt vào cuộc, phối hợp với chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Để từ đó, các doanh nghiệp không phải rơi vào tình trạng nợ xấu, còn sức để khởi động lại.

 

Đối với nhiều doanh nghiệp hiện hết tiền mặt, kênh cho thuê tài chính là giải pháp rất thiết thực. Giải pháp này đã được áp dụng rất thành công ở các nước khác. Nếu TP.HCM đẩy mạnh ở thời điểm hiện nay, đây sẽ là kênh trợ vốn cho doanh nghiệp nhanh nhất và tốt nhất.

de tphcm phuc hoi kinh te la chuyen trong tam tay hinh 3

TP.HCM phải có sự tính toán kỹ lưỡng, tránh “mở rồi lại đóng” gây khó khăn cho người dân – Nguồn: Kỳ Hoa

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ giá xét nghiệm, chi phí xử lý ca F0… không để mỗi nơi mỗi giá, giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp về mức thấp nhất. Đồng thời, cơ hội tiếp cận vaccine của các doanh nghiệp cũng phải được bình đẳng.

+ Có thể thấy, COVID-19 đã làm lộ “gót chân Asin” của TP.HCM trong vấn đề an sinh xã hội, tạo làn sóng chuyển dịch nguồn lao động “bỏ phố về quê”. Theo ông, đâu là lời giải cho bài toán thiếu hụt về nhân lực để khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp?

- Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ thường xuyên gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn lao động vì rủi ro COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Vì thế, doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản rõ ràng và chi tiết để ứng phó kịp thời khi có biến cố xảy ra. Chẳng hạn như nếu thiếu hụt lao động trên chuyền sản xuất thì tính đến phương án dồn chuyền hoặc phân chia lại công việc của công nhân theo hướng đảm đương phần việc của lao động thiếu hụt.

Về lâu dài, doanh nghiệp nên tính đến phương án cơ cấu lại sản xuất theo hướng tinh gọn, tối ưu việc sử dụng lao động. Chẳng hạn như thiết lập mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh tại các địa phương đang kiểm soát dịch bệnh tốt, để đặt sản xuất các đơn hàng trong trường hợp doanh nghiệp không đủ lao động để làm.

Đối với việc đón người lao động trở lại, TP.HCM cần phải tính đến bài toán an toàn. Vừa rồi lây nhiễm ở các khu nhà trọ rất nhiều với tỷ lệ tử vong cao, vì nơi này thường không đảm bảo an toàn, điều kiện tiếp cận y tế kém. Vì thế, mỗi phường, xã cần nắm bắt tình hình của địa bàn, chỗ ăn, ở cho công nhân. Cần khuyến khích chủ các khu trọ tổ chức “nhà trọ khang trang” cho người dân sinh sống. Khi người dân quay trở lại, nếu cuộc sống của họ được chăm lo tốt hơn, họ sẽ an tâm làm việc.

+ Thời gian qua, biến chủng Omicron đang dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Xin ông cho biết, TP.HCM cần làm gì để ứng phó với tình hình diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch bệnh?

- Không chỉ riêng biến chủng Omicron, mà còn có thể xuất hiện nhiều biến chủng khác trong tương lai. Thay vì “Zero COVID” như lúc đầu, thành phố đã thay đổi chiến lược, xác định “sống chung với dịch”. Chúng ta cần quán triệt về mặt định hướng cho người dân là phải thích ứng, sống chung, sống lâu dài với COVID.

Hai yếu tố quan trọng nhất để thích ứng với tình hình mới là tiêm vaccine và tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 5K. Cùng với đó, thành phố cần xây dựng kịch bản ứng phó với dịch rõ ràng, tương ứng với số lượng bao nhiêu ca bệnh sẽ huy động những cơ sở điều trị nào, tập trung xử lý các ca nhiễm nặng...

de tphcm phuc hoi kinh te la chuyen trong tam tay hinh 4

TP.HCM cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi 3 cho người dân. Ảnh: Kỳ Hoa

Chúng ta đã tiêm vaccine mũi 2 khá lâu rồi, TP.HCM cần đẩy nhanh việc tiêm mũi 3 cho người dân. Đối với biến chủng Omicron, Việt Nam cần đón đầu trong việc xin hoặc mua vaccine ứng phó với biến chủng này từ sớm. Bởi, đây là tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngoài ra, dù giao cho doanh nghiệp quyền tự kiểm, tự thực hiện các biện pháp an toàn khi sản xuất, nhưng thành phố cũng cần thành lập các lực lượng y tế lưu động để vừa hỗ trợ, lại vừa hậu kiểm.

Dịch bệnh có thể sẽ vẫn còn tiếp diễn, khó khăn và thách thức sẽ vẫn còn nhiều phía trước. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã chuẩn bị tâm thế mới, chiến lược mới cùng những kinh nghiệm rút ra được từ các đợt chống dịch trước. Nếu đi đúng hướng, tôi tin chắc năm sau GDP của TP.HCM có thể đạt 5-6%. Chuyện khôi phục trở lại là trong tầm tay, không những khôi phục mà còn có thể khôi phục nhanh.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Kỳ Hoa (Thực hiện)

 
LIÊN KẾT
FANPAGE