Đề xuất chính sách thu hút người có tài năng đặc biệt của TPHCM: Đãi ngộ thôi chưa đủ

Date: - View: 1037 - By:

Thời gian qua, TPHCM và một số tỉnh, thành đã có nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút các nhân tài nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, chính sách thu hút nhân tài của thành phố giống như “trên trải thảm mà dưới trải đinh” vì còn quá nhiều điều kiện, thủ tục gây khó khăn.

Chi tiền tỉ thu hút người tài

Trong đề án vừa trình UBND TPHCM về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt ở các lĩnh vực thành phố cần, Sở Nội vụ TPHCM đề xuất, áp dụng mức hỗ trợ ban đầu cho họ là 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí 20-30 triệu đồng.

Đối với một số vị trí, cứ mỗi đề tài nghiên cứu được đơn vị có thẩm quyền công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó. Giá trị tiền thưởng cho 1 người thấp nhất là 50 triệu đồng và tối đa là 1 tỉ đồng.

Trước đó, từ 1.6.2018, TPHCM cũng đã triển khai đề án thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, TPHCM trợ cấp ban đầu là 100 triệu đồng đối với chuyên gia, nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư (kèm lương bậc 2, hệ số 9,40 tính theo hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp ban hành kèm theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ); các trường hợp còn lại được hưởng trợ cấp ban đầu 80 triệu đồng (kèm lương bậc 1, hệ số 8,80).

Thực ra, trước đó, từ 2014 - 2017, TPHCM từng áp dụng một số chính sách đặc thù thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học nhưng không được như kỳ vọng. Mặc dù trả lương hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng trong giai đoạn trên, TPHCM chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài, 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài). Song, hiện nay chỉ còn 10 trường hợp đang tiếp tục công tác. 

Cũng liên quan đến việc hút nhân tài, mới đây, 40 nhân tài thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) đã xin thôi việc, chấp nhận đền bù tiền tỉ.

Cùng với thu hút, cần nâng chất cán bộ hiện tại

Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý TPHCM - ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia này đi tìm những “con ong chúa” rồi tạo mọi điều kiện để những “con ong chúa” này phát triển thành những tổ ong. Chính những “con ong chúa” này sẽ thu hút những “con ong thợ”.

Muốn thu hút được những “ong chúa” này thì vấn đề không phải chỉ ở chế độ đãi ngộ mà là môi trường, trong đó cho phép họ quyền quyết định xây dựng tổ ong như thế nào. Nói một cách khác, “trách nhiệm đi đôi với quyền lợi”. Các biện pháp hiện nay phần lớn chỉ chú tâm đến chữ “Lợi” và bỏ quên chữ “Quyền”. Vì vậy, theo TS Trần Quan Thắng, TPHCM không cần phải nghĩ đến việc trải thảm như thế nào để thu hút người tài, mà nên nghĩ cách tạo đất (môi trường) cho tốt thì chim sẽ bay về đậu.

Bên cạnh thu hút người tài, các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng chất cán bộ hiện tại. Theo TS Huỳnh Thanh Điền - Thành viên Nhóm Tư vấn chính sách Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM - soi rọi các tiêu chí thu hút đề tài mà thành phố đặt ra, nhiều người trong bộ máy chính quyền hiện tại cũng có khả năng đáp ứng. Vấn đề là, nhiều người đang làm việc dưới mức khả năng, bởi thiếu động lực. Đó có thể là do lương thấp, thiếu tự do phát triển sáng kiến, thiếu sự tôn trọng chính kiến cá nhân hoặc cơ hội thăng tiến hạn hẹp. 

Người tài trong hệ thống hiện tại còn không có “đất” phát huy năng lực, vậy những người bên ngoài làm sao dám cống hiến, dù chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Do vậy, theo TS Điền, cùng với việc thu hút nhân tài, cần tạo “bầu không khí phấn khởi” cho cán bộ hiện tại, ít nhất là làm việc bằng với khả năng của họ, cũng sẽ tạo được năng suất, hiệu quả lớn hơn.

MINH QUÂN

https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-chinh-sach-thu-hut-nguoi-co-tai-nang-dac-biet-cua-tphcm-dai-ngo-thoi-chua-du-626592.ldo

LIÊN KẾT
FANPAGE