TTXVN - Lâm Nguyên
Dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Với chính sách thuế đối ứng đối với tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, theo giới chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam vẫn có đủ khả năng và tự tin để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, khả năng đàm phán thành công đối với ngành dệt may là rất cao. Vì việc đánh thuế quan cao thường để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng Hoa Kỳ hầu như không may quần áo. Việc đánh thuế cao, chỉ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ Hoa Kỳ thiệt hại. Thậm chí, các nhà bán lẻ Hoa Kỳ có thể phải dịch chuyển kinh doanh sang thị trường khác.
Nếu không thành công, các doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng. Vì Hoa Kỳ áp thuế cao cho tất cả các nước chứ không chỉ áp riêng cho Việt Nam. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do. Đó là các thị trường có thuế suất rất ưu đãi, không kém hấp dẫn so với thị trường Hoa Kỳ.
TS. Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chủ động ứng phó được những bất ổn ở bất cứ thị trường nào. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần quan tâm đến ba Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và tham gia. Đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nước tham gia hiệp định này cũng chính là các thị trường không kém hấp dẫn đối với ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, cả ba hiệp định này đều đề cập đến vấn đề tăng trưởng xanh. Do vậy, theo ông Điền, để chủ động đa dạng hóa thị trường, các doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi xanh, phải đạt các tiêu chuẩn của thị trường đích và quốc tế về phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu, nội dung và lộ trình chuyển đổi phù hợp với từng loại hình sản xuất của mình.
Ông Điền gợi ý, doanh nghiệp có thể chia lộ trình chuyển đổi theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 là thử nghiệm phương án, đào tạo và phát triển năng lực nội bộ. Giai đoạn 2 là đầu tư chuyển đổi và tối ưu hóa. Giai đoạn 3 là mời các tổ chức chứng nhận cho các hoạt động chuyển đổi xanh và cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng bền vững với các thương hiệu toàn cầu.
Link bài viết gốc:
Bài 1: Cơ sở cho kỳ vọng vượt khó khăn
Bài cuối: Tái cấu trúc, củng cố thương hiệu