GỠ VƯỚNG TRONG TỰ CHỦ TÀI CHÍNH CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Date: - View: 1117 - By:

 

Go vuong trong tu chu tai chinh cac co so giao duc nghe nghiep - Anh 1

Cần có lộ trình riêng đối với từng cơ sở cũng như tháo gỡ vướng mắc, trong đó tăng thêm quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đây là ý kiến được các đại biểu nêu lên tại Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/11.

Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện thành phố có 392 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập. Theo Nghị định số 43 của Chính phủ, từ năm 2006 đến nay, một số trường cao đẳng, trung cấp công lập tại thành phố đã xây dựng đề án tự chủ tài chính một phần. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, việc chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nói về khó khăn khi tự chủ tài chính, bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghiệp Hùng Vương cho hay, dù được giao tự chủ một phần chi thường xuyên từ năm 2007 đến nay nhưng đối với nhà trường vấn đề khó khăn nhất vẫn là khoản chi tiền lương.

Với quỹ lương phải chi gần 1 tỷ đồng/tháng, nhà trường tìm mọi cách để đủ trả lương cho toàn thể giáo viên và cán bộ nhân viên.

Trong khi đó, mặc dù tự chủ về tài chính nhưng đến nay vấn đề nhân sự trường lại không được tự quyết định. “Chúng tôi không có quyền quyết định tuyển dụng người có năng lực, sa thải người không có năng lực làm sao chúng tôi nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học sinh”, bà Thủy băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết: Nhà trường phải tìm mọi cách để giữ chân đội ngũ giảng viên, nhân viên. Mặt khác, khi tự chủ tài chính, gần như nguồn thu của các trường chỉ trông chờ vào học phí nhưng nếu tăng học phí chắc chắn số lượng học sinh sẽ giảm đáng kể.

Bà Lý cho hay: Thực tế hiện nay học phí mới chỉ 6 triệu đồng/năm học nhưng đã có nhiều học sinh phải vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội; nếu tăng lên từ 14-20 triệu đồng/năm, học sinh rất khó khăn.

Đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng cho rằng, các trường vẫn chưa được tự quyết trong vấn đề nhân sự, nội dung đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác với doanh nghiệp… Muốn tự chủ tài chính cần phải tháo gỡ những vướng mắc này.

Nhận định quá trình chuyển sang tự chủ tài chính vẫn còn chậm, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn ngại tự chủ tài chính do lo sợ không thu hút được học sinh, không có nguồn thu để chi thường xuyên.

Do đó cần có lộ trình phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng trường. Trước mắt giai đoạn 2018-2020, Thành phố Hồ Chí Minh nên chọn một số trường đang tuyển sinh tốt, có ngành đào tạo thuộc diện ưu tiên của thành phố như du lịch, công nghệ thông tin, điều dưỡng…để khuyến khích tự chủ.

“Chủ trương tự chủ tài chính là bộ lọc hiệu quả bởi khi tự chủ một số trường không đáp ứng nhu cầu xã hội, không tuyển sinh được sẽ buộc phải giải thể, hoặc sáp nhập lại với các trường khác hiệu quả hơn”, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ đề xuất với UBND thành phố thành lập Tổ công tác tổ chức thực hiện Đề án quy hoạch phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, trong đó có lộ trình tự chủ tài chính.

Trước mắt, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng lộ trình riêng cho mình, kiến nghị cụ thể mức giảm ngân sách Nhà nước trong từng năm, phương án hỗ trợ...; chậm nhất đến ngày 31/12/2017 gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND thành phố xem xét, quyết định./.

Đinh Hằng/TTXVN

LIÊN KẾT
FANPAGE