Hoạt động khởi nghiệp còn nhiều trở ngại

Date: - View: 1164 - By:

TP HCM có nhiều tiềm năng, lợi thế cho hoạt động khởi nghiệp nhưng vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước. Các nhà khoa học cho biết như vậy tại hội thảo Tìm kiếm giải pháp đưa TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước do Viện Nghiên cứu TP HCM tổ chức ngày 21-12.

Theo các chuyên gia kinh tế, TP HCM đang làm tốt công tác tuyên truyền về khởi nghiệp nhưng chưa có căn cơ cho khởi nghiệp, chưa tạo ra môi trường thúc đẩy kinh doanh làm ăn chân chính. Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Việt Nam trong danh sách 20% quốc gia có tinh thần khởi nghiệp hăng hái nhất nhưng cũng trong tốp 20% doanh nghiệp (DN) có chất lượng khởi nghiệp thấp nhất thế giới, cho thấy phong trào khởi nghiệp đang chạy theo quá nhiều về số lượng, nên hãm số lượng mà đẩy mạnh chất lượng.

ThS Nguyễn Anh Ngọc, Trường ĐH Văn Lang (TP HCM), cho biết hệ thống pháp lý và cơ quan thực hiện kích thích khởi nghiệp của TP đã hình thành nhưng chưa tạo được nét đặc thù nên phong trào khởi nghiệp vẫn chưa khởi sắc như kỳ vọng. Các hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp như cơ quan quản lý nhà nước, định chế hỗ trợ tài chính, các viện trường, vườn ươm tạo DN… cũng chưa thật sự vào cuộc một cách chủ động để hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực nhất. Theo ông Nguyễn Anh Ngọc, trước mắt cần thêm những tác động kích thích mạnh hơn nữa để biến TP HCM thành trung tâm khởi nghiệp.

Theo đó, cần tăng tính chủ động của đơn vị chủ trì chương trình khởi nghiệp của TP, tăng cường hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Nên chuyển từ tư duy thụ động chờ nhà khởi nghiệp tìm đến sang chủ động săn tìm người khởi nghiệp; nghiên cứu, đề ra những chính sách đột phá, ưu tiên cho khởi nghiệp như Hàn Quốc, Singapore đã từng làm trong nhiều năm trước và nghiên cứu cơ chế kích thích các DN đang hoạt động sáng tạo hoặc cải tiến. Song song đó, kiến nghị cải cách hành chính, xóa bỏ những rào cản trong lĩnh vực khởi nghiệp.

TS Huỳnh Thanh Điền dẫn một kết quả khảo sát 104 công ty khởi nghiệp tại TP HCM cho thấy động cơ chính dẫn đến ý định khởi nghiệp là khát vọng làm giàu, niềm đam mê, cảm hứng từ các hình mẫu doanh nhân… Tuy nhiên, 80% cá nhân có quyết định khởi nghiệp là do mất việc, thay đổi công ty, dư thừa thời gian, không hài lòng với công việc; chỉ 10% sinh viên được khảo sát cho biết có ý định khởi nghiệp, phần lớn sinh viên mong muốn có được việc làm ổn định và thăng tiến sau khi tốt nghiệp. Những người đã tốt nghiệp đi làm 4-5 năm có công việc ổn định lại ngại khởi nghiệp.

Từ khảo sát trên, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng đối tượng khởi nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là người có kiến thức, kỹ năng thấp, không có nhiều cơ hội xin việc làm, tình thế bắt buộc họ trở thành những người chủ; còn người có kiến thức, kỹ năng, khả năng khởi nghiệp thành công cao lại định hướng đi làm thuê. 

Thanh Nhân/ Báo Người lao động - ngày 21/12/2017
 
 
  •  
LIÊN KẾT
FANPAGE