Phát triển công nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh: Xây dựng chuỗi cung ứng

Date: - View: 477 - By:
Mỹ Phương/TTXVN Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tạo chuỗi liên kết vùng cũng như thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường.

Tp. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương không phù hợp cho những ngành thâm dụng lao động nên cần tập trung phát triển các công đoạn mấu chốt của chuỗi giá trị ngành, những công đoạn sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các công đoạn khác.

Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết vùng cũng như xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất cho từng ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện,... đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường.
* Kết nối hỗ trợ theo ngành

Thực tế cho thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Tp. Hồ Chí Minh còn nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu. Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực.
Trong khi đó, các khu, cụm công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh đang phát triển theo hướng đa ngành, còn thiếu khu, cụm công nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Để sản xuất ra sản phẩm đầu cuối cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân bố ở nhiều không gian khác nhau theo lợi thế so sánh của mỗi địa phương.
Với chuỗi giá trị ngành, vai trò của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối là rất quan trọng vì định hướng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị. Đó là doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế thương hiệu và lắp ráp sản phẩm đầu cuối. Cụ thể, doanh nghiệp nắm giữ sản phẩm đầu cuối có bộ máy hoạt động mạnh về nghiên cứu phát triển (R&D) và thương hiệu, đây là “công đoạn lõi” của ngành.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, những quốc gia thu hút được nhiều doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối mang thương hiệu riêng sẽ hình thành được chuỗi liên kết ngành hiệu quả. Khi đó sự liên kết trong sản xuất kinh doanh sẽ chặt chẽ hơn, cơ hội làm ăn của doanh nghiệp tốt hơn, đơn hàng sản xuất ổn định hơn.
Trên thực tế, kinh nghiệm công nghiệp hóa ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, sự phát triển của doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu sản phẩm đầu cuối kéo theo sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ. Khi chuỗi liên kết ngành được hình thành thì cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ phụ trợ.
Hơn thế nữa, muốn thu hút được doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần hình thành các khu, cụm với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đồng thời, có cơ chế chính sách hấp dẫn doanh nghiệp tham gia, điều kiện đầu vào, thị trường và đa dạng dịch vụ hỗ trợ.
Những yếu tố này sẽ được đặt trong bối cảnh quan hệ giữa Tp. Hồ Chí Minh với nhiều tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cần nhận diện những điều kiện tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp để thiết kế cơ chế chính sách phù hợp.
"Phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao rất cần chú trọng một số nguyên tắc gồm: đảm bào tính kết nối cung cầu hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, lan tỏa công nghệ cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, đảm bảo tính liên kết mở giữa doanh nghiệp trong khu, cụm với đội ngũ doanh nghiệp bên ngoài và doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho biết thêm.
Còn khảo sát ý kiến một số doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, nâng cao giá trị gia tăng thay thế nhập khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị ở các công đoạn công nghệ nghệ cao là vấn đề doanh nghiệp kỳ vọng được sở, ngành đồng hành hỗ trợ. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận thông tin, thị trường, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực... và quy định cam kết hội nhập trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết.
Để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia khu, cụm, căn cứ Luật công nghệ cao, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh cơ chế ưu đãi về thuế, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, sản xuất thử nghiệm sản phẩm...
Cùng với đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện hình thức liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp để tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất chi tiết, linh kiện cho sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI hướng tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, yêu cầu cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lớn chuyển giao công nghệ hoặc liên kết công nghệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là rất lớn. Trong nhiều ngành, khâu hạn chế hiện nay vẫn là chưa hình thành được mạng lưới vệ tinh doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung ứng dưới hình thức tích hợp với doanh nghiệp lớn.
Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch lại các khu công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, tạo sự phát triển cân bằng giữa các khu vực phía Đông và phía Tây cũng như phía Nam và phía Bắc thành phố. Việc hình thành một khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tập trung, quy mô đủ lớn và có vị trí trung tâm sẽ hình thành nên điểm kết nối, chuyển giao công nghệ và giao thương giữa các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Đặc biệt, thông qua chuyển giao công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp như doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề chuyên môn hóa cao có thêm điều kiện phát triển, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và đảm bảo sản phẩm mang đến chất lượng tốt hơn. Bởi không giống như những khu công nghiệp thông thường, khu công nghiệp hỗ trợ thường được phát triển theo kiểu cụm liên kết ngành (Industrial Cluster).
Phân tích cụ thể, Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp trong khu công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm, cụm linh kiện từ khâu cung cấp nguyên liệu đến việc lắp ráp thành cụm chi tiết và giao cho nhà lắp ráp. Do đó, một khu công nghiệp hỗ trợ sẽ không chỉ các doanh nghiệp sản xuất ở nhiều lớp cung ứng khác nhau mà còn bao gồm cả nhà cung cấp nguyên liệu thô, nhà thầu phụ gia công một phần công nghệ của sản phẩm, doanh nghiệp cung cấp máy móc...
Trong số đó, khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao thường sẽ thu hút được các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực đòi hỏi công nghệ và tính đồng bộ cao. Do tiêu chuẩn chất lượng mang tính thống nhất toàn cầu, tính kinh tế của quy mô tăng lên và đòi hỏi kỹ năng cao đối với sản xuất nên doanh nghiệp trong khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao hầu như trở thành những nhà cung cấp cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số chuyên gia khác cũng đưa ra nhận định, Việt Nam cũng là điểm đến được lựa chọn đối với cả trong đầu tư lẫn nguồn cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí thuê mặt bằng tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận ngày càng tăng cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo thuần Việt tham gia khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ ngày càng hạn chế.
Vì vậy, phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại Tp. Hồ Chí Minh là chủ trương mang tính cấp thiết và khả thi cao. Đặc biệt, trong bối cảnh hậu dịch COVID-19 khi làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho nhiều ngành công nghiệp chế tạo diễn ra mạnh mẽ.
Với chủ trương phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia đề xuất thành phố cần cân nhắc những ưu tiên chính như: giá thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư, các dịch vụ cung ứng của khu này...; trong đó, có thể kể đến một số đối tượng như doanh nghiệp Việt Nam sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở lĩnh vực chế tạo đang cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam hoặc xuất khẩu, mong muốn đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất tại Tp. Hồ Chí Minh.
Theo số liệu của Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cả nước mới chỉ có gần 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ chất lượng đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu; trong đó, có 2/3 doanh nghiệp tập trung tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đa số doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, khoảng 1/3 sản xuất lĩnh vực nhựa cao su hóa chất, chỉ có dưới 10 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và công nghệ liên quan đến điện và điện tử./.

LIÊN KẾT
FANPAGE