Báo Dân Trí
Theo chuyên gia kinh tế TS. Huỳnh Thanh Điền, những khó khăn của các tiểu thương chợ truyền thống là biểu hiện của sự thay đổi tất yếu trên thị trường.
"Sự thật đau lòng là không sớm thì muộn, các kênh bán hàng online sẽ dần thay thế chợ truyền thống và ngày càng nhiều người bán không trụ được sẽ tự khắc rút khỏi thị trường. Hiện tại, đến nông sản còn mua bán online thì rõ ràng thương mại điện tử đã lấy đi thị phần rất lớn", vị này khẳng định.
TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích nguyên nhân đầu tiên đến từ hành vi mua hàng và chi phí vận hành.
Trong giai đoạn Covid-19, người dân đã quen với hình thức mua sắm online và nhận ra rằng việc này giúp họ tiết kiệm thời gian và công sức hơn so với việc đi đến chợ truyền thống để lựa chọn hàng hóa. Bên cạnh đó, giá cả, nguồn gốc hàng hóa cũng được niêm yết rõ ràng, người tiêu dùng không cần phải trả giá, mặc cả.
"Người bán online không cần bỏ nhiều chi phí vận hành cố định nên giá cả sẽ rẻ hơn so với chợ truyền thống. Hơn nữa, thời buổi bây giờ phải cạnh tranh nhau bằng tốc độ.
Khách hàng ngồi ở nhà, chỉ cần lướt điện thoại, trong thời gian ngắn là có người giao hàng tới ngay thì tại sao họ phải mất thời gian ra chợ? Không những vậy, các sàn thương mại điện tử giờ còn cho đổi trả miễn phí", chuyên gia phân tích.
Nguyên nhân kế tiếp là chợ truyền thống dần mất đi vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và khách hàng
"Trước đây, nhà sản xuất sẽ phân phối hàng ra chợ để tiểu thương tiếp cận đến khách. Nhưng bây giờ, kênh online phát triển, chính họ có thể trực tiếp bán qua các nền tảng như TikTok, Shopee, Facebook, giúp tiết kiệm chi phí trung gian và tối ưu hóa lợi nhuận", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Một nguyên nhân khác là sự gia tăng các cửa hàng tiện lợi. Những cửa hàng này phân bố khắp các địa bàn tỉnh, thành, đặc biệt là các khu dân cư. Nguồn gốc hàng hóa tại đây có nhãn mác rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại sự tin tưởng cao. Thời gian hoạt động cũng linh hoạt (nhiều cửa hàng mở cửa 24/7) giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn.
Ngoài ra, các siêu thị và trung tâm thương mại ngày càng kết hợp nhiều dịch vụ (mua sắm, ăn uống, giải trí), tạo ra trải nghiệm toàn diện hơn cho khách hàng.
TS. Huỳnh Thanh Điền cho hay ông không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh hàng loạt sạp hàng "cửa đóng then cài", nhiều tiểu thương dù biết kinh doanh khó khăn, chịu lỗ số tiền lớn nhưng vẫn cố gồng gánh.
"Như vậy là lãng phí, hãy chấp nhận xu thế và tỉnh táo để tự cứu mình", vị chuyên gia nhấn mạnh
TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, các địa phương cần quy hoạch lại chợ truyền thống, học hỏi các nước ở châu Âu, chỉ nên giữ lại một số chợ mang giá trị văn hóa như Bến Thành, An Đông, Bình Tây… để phát triển du lịch. Các chợ không còn phù hợp có thể chuyển đổi công năng thành trung tâm thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi số hoặc chuyển dịch ngành nghề để thích ứng với xu hướng mới.
"Nếu muốn tiếp tục buôn bán, tiểu thương phải xác định bán cho ai rồi chủ động tìm tới, nâng cấp dịch vụ và trải nghiệm mua sắm của đối tượng khách hàng đó.
Chẳng hạn như một số tiểu thương ở chợ mà tôi biết, họ hiểu rằng không thể cạnh tranh với kênh online nên tự liên lạc với khách, hằng ngày hỏi nhu cầu mua sắm của họ rồi chạy đi giao ngay lập tức. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Về lâu dài, chuyên gia kinh tế khuyên các tiểu thương nên chuyển sang kinh doanh, làm việc lĩnh vực khác hoặc tập trung đầu tư, thay đổi hẳn sang kênh bán hàng online.