Tp. Hồ Chí Minh: Mục tiêu phát triển doanh nghiệp chưa như kỳ vọng

Date: - View: 977 - By:

BNEWS.VN Tp. Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp; trong đó chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được xem là giải pháp quan trọng phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp.

 

Thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/05/2016, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển doanh nghiệp; trong đó, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được xem là giải pháp quan trọng nhằm phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, đến nay việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp vẫn còn là bài toán khó. 

*Hộ kinh doanh "ngại" lên doanh nghiệp 

Theo các chuyên gia, phát triển doanh nghiệp được xác định có 3 nguồn cơ bản bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển thêm quy mô và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. 

Nhận thấy thực tế là doanh nghiệp khởi sự mới với tỷ lệ thành công thấp nên không kỳ vọng nhiều về đóng góp tăng trưởng số lượng. Doanh nghiệp hiện có phát triển thêm công ty mới tuy được đánh giá là nâng cao chất lượng, nhưng không kỳ vọng tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp. 

Kiểm tra tivi LCD trước khi xuất xưởng tại nhà máy của Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Do vậy, thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là giải pháp nhanh nhất để phát triển số lượng doanh nghiệp. 

Chủ trương này được lồng ghép vào trong nhiều chính sách phát triển doanh nghiệp của thành phố, trong đó chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 5/2017 là một điển hình trong hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập. 

Sau 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ngành thuế thành phố đã hỗ trợ cho hơn 21.000 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp và hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp. 

Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh cũng phối hợp với các hiệp hội ngành nghề tổ chức tập huấn chính sách thuế theo các chuyên ngành nhằm nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc mang tính đặc thù. 

Tuy nhiên, việc vận động chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển đổi thấp so với chỉ tiêu được giao và so với tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. 

Theo số liệu từ Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh, sau hơn 1 năm vận động, mới có hơn 3.100 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Kết quả trên được đánh giá là thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, con số vô cùng khiêm tốn so với số lượng hơn 36.200 đơn vị kinh doanh cá thể có tiềm năng phát triển lên doanh nghiệp. 

Nguyên nhân là do phần lớn hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, mang tính chất gia đình và kinh doanh không ổn định. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh cũng không quen với hệ thống sổ sách, kế toán và báo cáo thuế khi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế là các hộ kinh doanh còn ngại chuyển đổi mô hình quản lý, chưa quen với khái niệm quản trị doanh nghiệp, hạn chế về nhận thức đối với Luật Doanh nghiệp, kiến thức, kỹ năng điều hành doanh nghiệp.

Thói quen kinh doanh dựa trên mối quan hệ của các tiểu thương, chợ đầu mối thường không có hóa đơn chứng từ, trong khi đầu ra xuất hóa đơn đủ dẫn đến khi chuyển đổi lên doanh nghiệp phải đóng thuế nhiều hơn thuế khoán. 

Hơn nữa, việc chuyển đổi lên doanh nghiệp khiến các hộ kinh doanh phải chịu thêm chi phí thuê kế toán, khai báo thuế, bảo hiểm xã hội… 

Mặt khác, các quy định về sổ sách kế toán và kê khai thuế hiện nay còn quá phức tạp đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh vốn không chuyên môn về kế toán. 

Ông Nguyễn Tiến Lập, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Lập Thành Đạt (quận Tân Phú) cho biết, từ khi lên doanh nghiệp các hợp đồng làm ăn của công ty có rộng mở hơn, tuy nhiên chính sách thuế là vấn đề “thường trực” mà doanh nghiệp phải đối mặt. 

Bởi chính sách thuế cập nhật liêp tục, doanh nghiệp buộc phải thuê kế toán với mức lương cao, ngoài ra còn có chi phí bảo hiểm xã hội và nhiều chi phí phát sinh khác. 

Bà Nguyễn Thị Bé, hộ kinh doanh tiệm vàng ở quận 7 cho rằng, đóng thuế khoán thuận tiện và an toàn hơn vì việc kê khai và đóng thuế theo doanh thu quá phức tạp và khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí vận hành nên gia đình đang cân nhắc có nên thành lập doanh nghiệp hay không. 

*Doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại 

Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là chủ trương vừa có lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Chủ trương này góp phần thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính thông thoáng hơn. 

Tuy nhiên, còn nhiều hộ kinh doanh e ngại chuyển lên doanh bởi sau khi chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý có phần nhiều hơn đồng nghĩa với tăng thêm chi phí gián tiếp. 

Một số trường hợp muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro,… nên chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp. 

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp được diễn ra theo “quy luật trưởng thành của hộ”. Trong quá trình làm ăn hộ từng bước tích luỹ tiền bạc, nhận diện được các cơ hội lớn hơn chuyển đổi lên doanh nghiệp. 

Do vậy, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không thể thực hiện bằng các biện pháp mang tính hành chính. Thay vào đó cần thực hiện như giải pháp mang tính tư vấn, đồng hành cùng hộ kinh doanh trong quá trình làm ăn của họ. 

Đối với hoạt động làm ăn thông thường, không có tiềm năng phát triển, thị trường ở phạm vi hẹp… thì phù hợp với mô hình doanh hộ kinh doanh nhằm tiết giảm chi phí và thuận lợi cho quản lý; trường hợp này không nên vận động họ chuyển lên doanh nghiệp. 

Còn đối với các hoạt động kinh doanh với ý tưởng sáng tạo, có thể bắt đầu nhỏ, nhưng có triển vọng phát triển lớn, thị trường tiềm năng ở phạm vi rộng,… thì kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp để có điều kiện phát triển lớn hơn, vươn xa hơn. 

Trong khi số hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn thì số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cũng khá cao cho thấy doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. 

Theo số liệu từ Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố đã cấp phép cho 20.194 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 226.103 tỷ đồng. 

So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép tăng 8% nhưng vốn đăng ký giảm 10,4%. Ở chiều ngược lại, có 1.145 doanh nghiệp giải thể, số doanh nghiệp ngưng hoạt động hơn 2.920 đơn vị... 

Theo nhận định của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, con số doanh nghiệp từ giã thương trường vẫn cao, điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang còn gặp khá nhiều điểm nghẽn trong hoạt động kinh doanh. 

Chỉ khi giải tỏa được những bất cập từ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cùng với những điểm yếu về công nghệ, quản trị đang tồn tại trong nội tại doanh nghiệp, mới hy vọng số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, không kéo theo con số doanh nghiệp phá sản lớn như hiện nay. 

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, trước hết, doanh nghiệp chỉ sống tốt trong môi trường hội đủ các yếu tố như khách hàng, nhà cung cấp, cạnh tranh công bằng; có đủ các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, kho bãi, mặt bằng sản xuất, tài chính, viễn thông,… 

Chính quyền thành phố cần có giải pháp cụ thể để phát triển đồng bộ các thành phần đó thì tức khắc doanh nghiệp sẽ có môi trường để phát triển tốt. 

Mặt khác, Nhà nước cần tạo động lực về cầu, nghĩa là tạo ra nhu cầu để hộ có thể nhận diện cơ hội phát triển lớn hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, cần định hướng vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Việc dẫn dắt diễn ra theo quy luật tự nhiên chứ không mang tính hành chính, doanh nghiệp lớn cần doanh nhỏ và vừa phụ trợ nên liên kết trong hướng dẫn công nghệ, huấn luyện tay nghề, ứng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…/. 
Âu Việt/TTXVN
Xem thêm:

>>>Doanh nghiệp phôi thép Trung Quốc kiện Mỹ vì thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp

>>>Hiệu ứng lan tỏa từ Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

 

 

LIÊN KẾT
FANPAGE