Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phát triển trọng tâm trên nền tảng khoa học - công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) nước ta cũng đã cho thấy sự bắt nhịp, phát triển mạnh mẽ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai các chiến lược bài bản, khoa học để TMĐT phát triển bền vững; qua đó kích cầu, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về thương mại điện tử
Thời gian qua, hoạt động TMĐT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; với nhiều mô hình, chủ thể, trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa. Với sự tham gia mạnh mẽ của lượng người dùng cả về quy mô và chất lượng, TMĐT Thành phố đang có nền tảng phát triển bền vững hơn trong tương lai.
TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên ngành Kinh tế Phát triển tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ góc độ chủ quan, TP Hồ Chí Minh có hạ tầng phục vụ TMĐT thuộc nhóm tốt nhất cả nước, từ độ phủ internet, hạ tầng viễn thông, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh tới hạ tầng logistics, hạ tầng thanh toán. Ngoài khung pháp lý chung, TP Hồ Chí Minh chủ động xây dựng các kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn Thành phố, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể như kết nối sàn TMĐT với doanh nghiệp, tổ chức các chương trình hỗ trợ hộ cá thể chuyển đổi sang kinh doanh online...
TP Hồ Chí Minh còn có lợi thế là đô thị đông dân nhất cả nước, sở hữu lượng người trẻ đông đảo, dễ tiếp thu và sử dụng các ứng dụng, phần mềm mới trên internet. Đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi phương án kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online vừa giúp giảm chi phí cố định, hạ giá thành sản phẩm lại tăng sức cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực. Qua đó, hình thức khởi nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT trở thành xu thế chung, thay vì chọn mở cửa hàng như trước kia.
Các kênh phân phối TMĐT được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT... Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, có thể nhắc tới như sử dụng mã QR, ứng dụng Zalopay, Shoppee pay… Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm qua các nền tảng giải trí như: Facebook, Tiktok, Instagram… cũng trở nên phổ biến. Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng của nền tảng Tiktok Shop, dù mới xuất hiện từ giữa năm 2022 nhưng đến nay đã chiếm gần 10% tổng doanh số TMĐT.
![]() |
Về số lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sở hữu đã đăng ký với Bộ Công Thương có tỉ lệ cao nhất nước, với 23.870 website TMĐT bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ TMĐT (chiếm 43,5% cả nước)... Tỷ trọng doanh thu TMĐT 6 tháng đầu năm 2024 chiếm 16,7% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn. TP Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 với 87 điểm theo chỉ số TMĐT (EBI) 2024 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra.
“Có thể thấy, sự phát triển của TMĐT ở TP Hồ Chí Minh là kết quả của sự cộng hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó phải ghi nhận nỗ lực của chính quyền TP Hồ Chí Minh, giúp người dân, hộ cá thể, doanh nghiệp làm quen và triển khai kinh doanh trên sàn TMĐT. Tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới được dự báo vẫn tiếp tục cao, kinh doanh trên sàn TMĐT là xu hướng tất yếu, không thể đảo chiều”, TS Huỳnh Thanh Điền cho biết thêm.
Quyết tâm giải quyết tiêu cực trong thương mại điện tử
Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác phát triển TMĐT vẫn còn nhiều khó khăn, như: Chưa có các quy định, hàng rào kỹ thuật, siết chặt quản lý đối tượng hợp đồng TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời, cũng theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực xúc tiến thương mại xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng TMĐT; điển hình là quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ diễn ra phổ biến trên các sàn TMĐT xuyên biên giới, mạng xã hội trong thời gian gần đây; gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trước tình hình trên, cần phải có những hành động cụ thể như: Ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại, mạng xã hội; rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về TMĐT hiện hành, các quy định về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong TMĐT xuyên biên giới cần cụ thể hơn; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn TMĐT xuyên biên giới quốc tế; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước; kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Song song với ngăn chặn tiêu cực, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT, kết nối với các đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ TMĐT, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới…
Có thể thấy rằng, TMĐT tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh chóng, song đi kèm với đó là nhiều thách thức cần giải quyết. Các giải pháp mà Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề xuất không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp.
Để bảo đảm sự phát triển bền vững của TMĐT, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng triển khai những biện pháp này, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.
PHƯƠNG NAM
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-801476