Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ rào cản phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao

Date: - View: 1074 - By:
Tp. Hồ Chí Minh tháo gỡ rào cản phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao
Tại Hội thảo “Định hướng phát triển chiến lược phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” do Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/8, nhiều đại biểu cho rằng, việc phát triển các Khu NNCNC trên cả nước và Tp. Hồ Chí Minh còn có nhiều rào cản cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề chuyển giao công nghệ cao ứng dụng trong nuôi trồng. 
Để phát triển các Khu NNCNC Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thành phố cho rằng, cần hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC; cần sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng bởi đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà và không dám đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này. 
TS Nguyễn Tấn Bình và TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên trường Đại học Văn Hiến cho rằng, việc chuyển giao CNC vào thực tế sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, như: nông dân chưa đủ khả năng tiếp cận công nghệ mới, đất sản xuất quy mô nhỏ, khó áp dụng các kỹ thuật CNC vào sản xuất, hạn chế vốn… Trong khi đó, doanh nghiệp thường là đối tượng tham gia nghiên cứu CNC trong nông nghiệp theo hướng dễ ứng dụng hơn nhưng ít tham gia công đoạn này. 
Để tháo gỡ rào cản này, các chuyên gia cho rằng các địa phương cần xây dựng chương trình, dự án hợp tác công tư trong nghiên cứu tạo và phát triển nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nên mời gọi doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu, không nên chỉ dành cho Viện Nghiên cứu và trường đại học thực hiện như hiện nay. Việc kêu gọi này nhằm đảm bảo công nghệ được nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu. Mặt khác, nông dân cũng là đối tượng quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ nuôi trồng nên cần tập huấn họ thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến nông, hội nông dân. 
Theo Ban Quản lý Khu NNCNC Tp. Hồ Chí Minh, định hướng phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sẽ gồm 4 khu trực thuộc gồm Khu NNCNC hiện hữu 88,17 ha tập trung cho lĩnh vực trồng trọt; khu NNCNC 200 ha tập trung lĩnh vực trồng trọt và cá cảnh nước ngọt, cây thủy sinh; khu NN CNC chuyên ngành thủy sản 90 ha ở huyện Cần Giờ; khu NN CNC chuyên ngành chăn nuôi ở huyện Bình Chánh tập trung lai sản xuất và lai tạo các giống bò sữa, bò thịt, lợn, gà và các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học. 
Hiện nay, cả nước có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC đã được xây dựng. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, Khu NNCNC được đầu tư xây dựng từ năm 2004 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, tập trung cho lĩnh vực trồng trọt. Qua 10 năm đi vào hoạt động, Khu NNCNC thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu; nhanh chóng định hình và có chiều hướng phát triển tốt, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất. 
Tuy nhiên, cũng giống như các khu NNCNC trên cả nước, Khu NNCNC của Tp. Hồ Chí Minh còn một số hạn chế như đầu tư chưa đồng bộ, tập trung; cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp thiếu hấp dẫn, sản phẩm chưa chiếm lòng tin người tiêu dùng. Đặc biệt, việc chuyển giao CNC ứng dụng vào nuôi trồng chưa tốt, các đề tài nghiên cứu NNCNC những năm gần đây có tăng nhưng việc ứng dụng vào nuôi trồng lại hạn chế./.

TTXVN

LIÊN KẾT
FANPAGE