TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 2: Vượt chướng ngại và tăng tốc
Công nhân Công ty CP thực phẩm Bình Tây hối hả làm việc. Ảnh: VĂN MINH
Chuyển điểm nghẽn thành nguồn lực
Nếu như các tiềm lực, thế mạnh có thể giúp TPHCM phát triển thuận lợi, thì những vướng mắc, điểm nghẽn tồn tại bấy lâu và lộ rõ qua đại dịch Covid-19 có thể là chướng ngại vật làm chậm, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Theo các chuyên gia, nếu thành phố chuyển hóa được các vướng mắc, biến các điểm nghẽn hiện nay thành nguồn lực, thành năng lượng sáng tạo thì TPHCM sẽ có bước tiến đều và chắc.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận xét, các điểm nghẽn của TPHCM là cấp phép các dự án đầu tư lớn và giải ngân các dự án đầu tư hạ tầng quá chậm. Tương tự, nhiều dự án “treo”, chương trình kích cầu bị dừng lại mà chưa khởi động chương trình mới, không khí làm việc bị chùng lại, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu động lực làm việc và sáng tạo… “Đó đang là trở ngại của thành phố, cần khơi thông để phát triển”, TS Huỳnh Thanh Điền phân tích. Ông đánh giá, nếu khơi thông được, thì GRDP của TPHCM tăng ít nhất 10%.
Hiện nay, hàng trăm dự án trên địa bàn TPHCM chậm triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị, làm lãng phí tài nguyên đất, lãng phí nguồn lực phát triển. Thậm chí, nhiều dự án ở tình trạng quy hoạch kéo dài hàng chục năm, dự án “treo” vắt qua nhiều thế hệ người dân, như: dự án xây dựng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Khu đô thị Tây Bắc, dự án Safari (huyện Củ Chi)… “Huyện đề xuất TPHCM và các cấp sớm hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý nhằm sớm kêu gọi đầu tư triển khai dự án Safari, Khu đô thị Tây Bắc để đưa vào sử dụng, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Cần tránh bỏ đất hoang hóa kéo dài và hạn chế quyền của người dân trên chính mảnh đất của mình, gây bức xúc trong nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền mong mỏi.
Từ thực tế công tác quản lý, nhiều quận, huyện cũng đề xuất các cơ chế, chính sách để “vượt chướng ngại vật”, bứt tốc phát triển. Quận Bình Tân là địa phương có dân số đông, trong khi đó, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đề xuất TPHCM có chủ trương thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn quận, trong đó có dự án đầu tư xây dựng mới đường vành đai trong, vành đai 2 (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh)… nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cần cơ chế tháo trở ngại
TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước - được thành lập với vai trò phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành “cực” tăng trưởng mới mang tính dẫn dắt của TPHCM. Thế nhưng, năm đầu tiên thành lập cũng là năm nhiều biến động do đại dịch Covid-19; đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách mới đối với TP Thủ Đức, và TP Thủ Đức cơ bản đang vận hành như một chính quyền địa phương tương đương cấp quận, huyện.
Bàn về cơ chế, đặc thù cho địa phương, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trăn trở: “Khi thành lập TP Thủ Đức, tất cả chúng ta đều mong muốn có gì đó mới mẻ và thật sự có sức bật cho kinh tế TPHCM. Nhưng qua 1 năm đầu tiên, phần lớn thời gian phải phòng chống dịch Covid-19; còn những mong muốn có chính sách đổi mới hơn thì đến giờ vẫn chỉ dừng ở ý tưởng, sự thảo luận mà thôi”.
Theo ông Hoàng Tùng, đây thực sự là điều rất đáng tiếc. Tài chính cũng đang là vấn đề rất quan trọng đối với TP Thủ Đức. Số kết dư trong năm qua của TP Thủ Đức đang ở mức rất đáng lo, chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Nếu duy trì kết dư với mức này thì sau
5 năm, TP Thủ Đức chỉ xây được... 3 trường trung học, mà đó là chỉ tính riêng chi phí xây dựng, chưa tính đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ thực tế này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức mong muốn TPHCM cùng các bộ, ngành và Trung ương sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn đối với địa phương, đưa TP Thủ Đức thực sự trở thành trung tâm, động lực phát triển như định hướng.
DN là xương sống của nền kinh tế. Để DN và người lao động yên tâm sản xuất, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cho rằng, cốt lõi vẫn là các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, cùng các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, lâu dài cho DN và chính sách ổn định nơi ăn, chốn ở an toàn cho người lao động. Ông Hứa Quốc Hưng kiến nghị TPHCM có kế hoạch rà soát quỹ nhà trọ ở các địa phương, trên cơ sở đó sẽ thống kê, sắp xếp, bố trí lại theo khu vực gắn với vị trí sản xuất của các DN, để hỗ trợ người lao động. Cùng với đó là hỗ trợ giới thiệu các quỹ nhà trọ theo cụm, theo khu vực cho Hepza để cung cấp thông tin cho người lao động và DN. Đặc biệt, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân phải là sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà đầu tư Công ty Phát triển hạ tầng KCX-KCN và các nhà đầu tư thứ cấp (là DN sản xuất trong các KCX-KCN).
Đối với địa bàn đông công nhân, người lao động, vấn đề nhà ở và bài toán nhân lực cán bộ cơ sở cũng cần được quan tâm giải quyết. Tại huyện Bình Chánh, theo thống kê đến cuối năm 2021, dân số của huyện là trên 800.000 người. Số dân đông, tăng rất nhanh gây áp lực lớn lên hạ tầng và công tác quản lý. Do vậy, huyện rất mong sớm được tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đầu tư hạ tầng và tăng số lượng cán bộ không chuyên trách theo số dân cư trú thực tế.
Tương tự, dân số ở quận Bình Tân hiện cũng trên 800.000 người, trong đó có phường có trên 100.000 người. Để quận giải quyết tốt nhu cầu của người dân và bứt tốc phát triển trong thời gian tới, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đề xuất TPHCM xem xét bổ sung quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là khu lưu trú cho công nhân lao động trong các KCN; huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới công trình y tế chất lượng cao.
* Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH - Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM: Đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo hệ sinh thái tiện ích |