(VOH) - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kỳ cuối của Tọa đàm “10 năm thực hiện Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam” với nhận định về sự kiện quan trọng này từ các vị khách mời: PGS - TS Lê Kế Lâm - Chủ tịch Hội biển TPHCM; Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ và Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền.
*VOH: Ngày 22/10/2018, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó sẽ từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Thưa PGS Lê Kế Lâm, ông nhận định như thế nào về sự kiện hết sức quan trọng này?
- Ông Lê Kế Lâm: Tôi thấy rất mừng vì từ Trung ương Đảng và Nhà nước cho đến tất cả các cơ quan ban ngành đã thấy được tầm quan trọng của biển đảo đối với đất nước. Tôi nhớ trong chiến lược đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói một câu là “biển là quyền lợi sống còn của nhân dân Việt Nam”. Tôi rất tâm đắc vì đúng là chúng ta có 28 tỉnh thành ven biển, có gần 1/3 dân số sống gần biển, dựa vào biển. Mà biển của chúng ta đã có truyền thống dựng nước và giữ nước. Do đó trong Nghị quyết này, tôi thấy để làm thế nào đến 2030 và xa hơn nữa là 2045, kinh tế biển phải chiếm hơn 50% GDP cả nước, đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn mà nếu đạt được thì chúng ta sẽ giàu lên từ biển và mạnh lên từ biển.
*VOH: Xét về góc độ kinh tế, chúng ta có thể đặt những kỳ vọng gì cho giai đoạn tiếp theo với Nghị quyết 36 của Trung ương, xin chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền chia sẻ cùng với chương trình.
- Ông Huỳnh Thanh Điền: Tôi rất nhất trí với ông Lê Kế Lâm. Theo tôi, chiến lược biển theo Nghị quyết 36 nên gom lại như thế này. Về mục tiêu mạnh và giàu lên từ biển là rất phù hợp, nhưng để thực hiện được thì cần phải cụ thể hóa nó ra. Trong chiến lược đã đề ra thứ tự ưu tiên của 5 ngành là du lịch, hàng hải, khai thác tài nguyên, đánh bắt, kinh tế ven biển… Tuy nhiên chúng ta cần tập trung 4 nội dung. Thứ nhất, mạnh từ biển và giàu lên từ biển là mối quan hệ hỗ trợ qua lại. Thứ hai, bất kỳ ngành kinh tế nào muốn phát triển thì phải có khách hàng, có đối tác. Cần có chiến lược cụ thể trong vấn đề huy động nguồn lực, liên kết với các quốc gia khác để phát triển kinh tế biển. Thứ ba, muốn phát triển như vậy thì cần có thể chế quản lý và đầu tư hạ tầng cho nó. Cuối cùng, muốn làm tốt 3 điều trên thì cần quan tâm đến nhân lực và đào tạo. Định hướng 5 ngành đó thì chúng ta phải có các trường đại học, viện nghiên cứu để phục vụ cho 5 ngành đó. Khi đã có nguồn nhân lực, kết nối được đối tác, có thể chế rõ ràng thì việc phát triển các ngành kinh tế biển rất dễ. Lúc đó người dân sẽ giàu lên từ biển và mạnh lên từ biển.
*VOH: Nghị quyết 36 của Trung ương nhằm tiếp nối Nghị quyết 09 để duy trì định hướng chiến lược biển Việt Nam. Vậy trong giai đoạn tiếp theo, huyện Cần Giờ sẽ có chủ trương ra sao nhằm tiếp tục phát huy các lợi thế biển sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cũng như nâng cao đời sống người dân?
- Ông Lê Minh Dũng: Hiện nay TP đã có nhiều chủ trương quyết sách đột phá để đầu tư cho Cần Giờ với mục tiêu xây dựng huyện thành khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí, một khu đô thị biển du lịch sinh thái. Đây là những giải pháp đột phá và chắc chắn là không dàn trải. Tôi cũng thống nhất với ý kiến la muốn phát triển thì phải đầu tư hạ tầng nhưng quan trọng hơn nữa là phải đào tạo nguồn nhân lực và phát huy nguồn lực của người dân tại chỗ. Nói cho cùng, những vấn đề về an sinh xã hội, nâng cao đời sống, an ninh trật tự thì phải được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con nhân dân thì chúng ta mới thực hiện thành công.
*VOH: Không khó để nhận thấy phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải có tiềm năng trở thành mũi nhọn kinh tế biển cũng như phù hợp với chủ trương bảo vệ môi trường. Tuy vậy để thực sự tạo ra bước đột phá cho hai lĩnh vực này thì chúng ta cần có những giải pháp cụ thể dựa trên chiến lược chung mà Trung ương đã phác thảo ra. Chúng tôi xin mời các vị khách mời cùng thảo luận về góc độ này. Trước hết xin mời PGS Lê Kế Lâm.
- Ông Lê Kế Lâm: Du lịch biển là một trong những ngành thế mạnh của chúng ta, nhưng không nên làm manh mún và chia tách. Trong tổ chức du lịch phải có bài bản khoa học và tổng thể. Phải làm thế nào đào tạo đội ngũ quản lý, khai thác du lịch một cách cơ bản. Không chỉ có trình độ ngoại ngữ, đống thời phải hiểu biết về lịch sử, di sản, văn hóa. Ngoài ra du lịch biển phải kết hợp bảo vệ môi trường.
- Ông Lê Minh Dũng: Tôi cũng thống nhất với PGS. Cần Giờ có sông, biển, rừng là những điều kiện tự nhiên tiềm năng rất thuận lợi để phát triển du lịch. Để phát triển du lịch chúng ta phải làm đồng bộ với bảo vệ và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nhưng phải hài hòa với tự nhiên.
- Ông Huỳnh Thanh Điền: Phát triển du lịch thì hai vị khách mời đã nói rồi, tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm một ý, đó là thời gian tới chúng ta cần thiết kết những tour cho nó đa dạng. Từ việc định hướng các tour thì chúng ta sẽ xây dựng hạ tầng để phục vụ cho nó. Còn về hàng hải chúng ta phải hình dung thế này, không có quốc gia nào phát triển kinh tế biển tốt nếu hàng hải không tốt. Hiện nay VN là một trong những quốc gia có chi phí này cao nhất thế giới. Vì vậy nếu ta không phát triển ngành này thì sẽ ảnh hưởng đến các ngành khác. Để phát triển thì ta phải xây dựng hệ thống cầu cảng và xây dựng thành những trung tâm trung chuyển hàng hòa trên biển Đông. Phải có sự liên kết giữa hạ tầng đường biển với hạ tầng đường bộ. Hiện nay những điều này mình làm chưa tốt nên chi phí vận chuyển vẫn còn lớn. Vì vậy nên quản lý nhà nước phải thắt chặt chỗ này để tạo điều kiện huy động nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển ngành này lên.
*VOH: Cảm ơn các vị khách mời.
Dù nhìn từ góc độ nào thì Nghị quyết 09 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và tới đây là Nghị quyết 36 “ Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là chủ trương lớn, mang ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết để góp phần đưa đất nước hội nhập, phát triển. Tin rằng, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị cùng ý chí nhân dân sẽ thực hiện thành công mục tiêu tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và kết nối hạ tầng làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển Việt Nam trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.