3 kịch bản thực hiện mục tiêu kép cho TP.HCM
TS Huỳnh Thanh Điền (*)Thứ tư, 21/7/2021 | 15:30 GMT+7
Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát khi số ca nhiễm còn ở mức 2 con số, cụm từ “mục tiêu kép” có lẽ được nhận thức chưa phù hợp.
Trong cùng một thời gian, nếu đặt trọng tâm vào các biện soát kiểm soát dịch triệt để thì sẽ hy sinh lợi ích kinh tế. Khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát thì sẽ dễ dàng khôi phục kinh tế. Như vậy mới thật sự là mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh còn ở mức dễ kiểm soát.
Tiếc thay, khi dịch bệnh còn ở mức 2 con số, thì mục tiêu kép được hiểu theo hướng thực hiện chống dịch song song với phát triển kinh tế, nên bỏ lỡ thời cơ vàng kiểm soát dịch. Khi dịch bệnh kéo dài, tất nhiên sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế kéo dài, cho dù chính quyền có hay không có các biện pháp giãn cách hay phong tỏa để dập dịch. Bởi nếu dịch bệnh kéo dài, tâm lý tiêu dùng, đầu tư, thương mại, lao động… đều bị ảnh hưởng.
Biết rằng đây là sự việc đã qua, mọi tiếc nuối đều không làm thay đổi được quá khứ, nhưng cũng cần nhìn nhận để rút ra bài học kinh nghiệm cho tương lai.
Muốn tìm kiếm giải pháp thực hiện mục tiêu kép trong tương lai, trước hết cần thống nhất quan điểm về mục tiêu này là: (1) khi dịch bệnh còn có thể kiểm soát thì ưu tiên kiểm soát dịch thật nhanh để sớm khôi phục kinh tế; (2) khi dịch bệnh hoàn toàn mất kiểm soát sẽ thực hiện vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế ở mức tăng trưởng thấp, thậm chí âm.
Hiên nay, không còn là thời điểm vàng để chống dịch khi số ca nhiễm mỗi ngày lên đến 4 con số, nên mọi biện pháp kiểm soát rất khó có khả năng thành công.
Do vậy, cần đặt ra những kịch bản ứng phó với các tình huống diễn biến dịch bệnh khác nhau. Có 3 tình huống có thể xảy ra trong 15 ngày tới: (1) dịch bệnh dần được kiểm soát, số ca nhiễm trong cộng đồng giảm mạnh; (2) số ca bệnh tiếp tục tăng chậm, vẫn còn khả năng kiểm soát; (3) dịch bệnh lây lan mạnh, số ca bệnh và tử vong tăng cao đến mức không thể kiểm soát.
Tương ứng với 3 kịch bản này, mục tiêu kinh tế và việc tổ chức thực hiện sẽ khác nhau.
Kịch bản 1
Trong trường hợp dịch bệnh dần được kiểm soát, số ca nhiễm trong cộng đồng giảm mạnh cần đặt mục tiêu kiểm soát dịch triệt để sau đó khôi phục kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp như CT 16 và bổ sung thêm biện pháp mạnh hơn để kiểm soát dịch bệnh triệt để, chẳng hạn như điều tra dịch tể, truy vết, cách ly thần tốc hơn nữa, nhằm hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong vòng 1 tháng.
Trong 1 tháng này, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để kỳ vọng sự phục hồi sau đó. Khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch mạnh, cần lưu ý đến sự tổn thất của nhiều đối tượng khác nhau để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Đối tượng bị tổn thương lớn nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, phần lớn các đối tượng này nương tựa các chợ truyền thống để mưu sinh hoặc thực hiện các công việc giản đơn chỉ có trong điều kiện không có dịch bệnh, nên cần hỗ trợ chi phí cho họ đảm bảo được mức sống tối thiểu. Đồng thời tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân tiếp tế lương thực, thực phẩm đến các khu xóm trọ nghèo, nơi họ lưu trú.
Cân nhắc mở lại các chợ truyền thống nhưng phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối về chống dịch.
Vấn đề lương thực, thực phẩm thiết yếu rất quan trọng, cần đảm bảo khâu lưu thông phân phối không bị gián đoạn, thực hiện công bằng. Nguồn cung thực phẩm thiết yếu từ nông dân và nông trại ở Việt Nam rất dồi dào, nên nếu chỉ cung cấp qua hệ thống cửa hàng, siêu thị sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn đối với nông dân canh tác nhỏ lẻ vì phần lớn họ cung cấp hàng cho các chợ truyền thống, đồng thời gây thiệt hại lớn cho tiểu thương và số người lao động khu vực phi chính thức. Khi chợ truyền thống mở lại sẽ giảm tải cho siêu thị, đảm bảo giãn cách khi khách mua hàng thiết yếu, mặt khác nguồn cung ứng thực phẩm không bị thiếu hụt như hiện nay.
Trong giai đoạn 1, các DN sản xuất tạm thời giảm cường độ sản xuất kinh doanh để chống dịch. Những DN và người lao động bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ về chi phí tiền lương, chi phí lãi vay ngân hàng, bảo hiểm, các loại thuế cố định, phí.
Kịch bản 2
Trường hợp số ca bệnh tiếp tục tăng nhẹ, vẫn còn khả năng kiểm soát trong thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm, phải tiếp tục đặt mục tiêu ưu tiên cho kiểm soát dịch như giãn cách, phát hiện, truy vết, cách ly và điều trị, đồng thời cân nhắc khôi phục các hoạt động kinh tế có tính thiết yếu, những ngành nghề tạo nhiều công ăn việc làm.
Trường hợp này nên khuyến khích DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và các DN sử dụng nhiều lao động khởi động lại, theo hướng vừa chống dịch, vừa sản xuất.
Chính quyền TP cần nghiên cứu thiết kế các mô hình mẫu tổ chức sản xuất an toàn theo hướng làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và các phương án cách ly, điều trị tại chỗ để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
Khi khôi phục sản xuất kinh doanh các lĩnh vực nêu trên, chính quyền TP nên tổ chức đội ngũ y tế kết nối thường xuyên với các DN đó để hỗ trợ điều trị lưu động. Ngoài ra, chính quyền nên hỗ trợ chi phí đầu tư cơ sở vật chất chống dịch tại chỗ một phần cho DN.
Các DN không thuộc các lĩnh vực nêu trên tiếp tục giảm cường độ sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu ưu tiên kiểm soát dịch.
Kịch bản 3
Trường hợp dịch bệnh lây lan mạnh, số ca bệnh và tử vong tăng cao đến mức không thể kiểm soát, không còn khả năng truy vết, cách ly các trường hợp F0, F1, khi đó cần đặt mục tiêu chống dịch song song với phát triển kinh tế.
Về phía cơ quan y tế và phòng chống dịch, nên tập hợp phương án điều trị các trường hợp bệnh nặng, ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong, đồng thời nhờ cộng đồng quốc tế viện trợ phương tiện điều trị.
Về khía cạnh kinh tế, nhân rộng mô hình vừa chống dịch vừa sản xuất đối với tất cả các DN trong nền kinh tế như kịch bản 2. Chính quyền cần ban hành bộ tiêu chí cụ thể về điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch tại chỗ đối với các DN và khuyến khích tất cả các DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu đáp ứng được điều kiện trang bị cơ sở vật chất.
Ngoài ra, chính quyền cần xây dựng đội ngũ y tế phản ứng nhanh theo khu vực cụ thể để sẵn sàng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, DN cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị để tiếp tục hoạt động mà người lao động không cần di chuyển. Chính quyền cần có những chính sách thúc đẩy DN chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số các thủ tục hành chính.
Cho dù đối mặt với tình huống bất kỳ nào, trong cả ba kịch bản, chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine cho toàn dân và tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế. Trọng tâm phát triển kinh tế sẽ là tạo việc và thu nhập cho người dân, thay cho mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, nghĩa là thúc đẩy các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đến khu vực tạo nhiều việc làm và giảm thiểu bất bình đẳng thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh.