TS Huỳnh Thanh Điền/ DNSG (2014)
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Hằng năm, khối này tạo thêm trên nửa triệu lao động mới, sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…
Song, thời gian qua, hàng chục nghìn SME đã phải ngừng hoạt động do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu được xác định là do năng lực.
Nay, đối diện với cơ hội và thách thức mới khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (EAC) được thành lập vào năm 2015, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị ký kết, yêu cầu đặt ra đối với các SME là làm thế nào tận dụng cơ hội mới để thoát khỏi tình trạng “năng lực cạnh tranh kém”.
Vòng luẩn quẩn
Vòng luẩn quẩn năng lực cạnh tranh kém của SME bắt đầu từ những hạn chế về vốn nên khó tiếp cận tín dụng (do tài sản thế chấp nhỏ) để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành sản phẩm cao. Theo đó, năng lực cạnh tranh kém đưa đến kết cục hiệu quả kinh tế thấp, khó tích tụ vốn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển.
Để tồn tại và phát triển, các SME cần đột phá một trong 5 “nút thắt” trên. Nếu chỉ dựa vào những nỗ lực nội tại của doanh nghiệp thì khó lòng đột phá thành công, nên cần đến sự trợ giúp từ các tác nhân bên ngoài. Lâu nay, một yếu tố thường được đề cập đến là các cơ chế chính sách giúp SME tiếp cận tín dụng, nhưng kết quả mang lại chưa như kỳ vòng.
Do vậy, các SME cần nghĩ đến một chiến lược đột phá ở “nút thắt” khác. Hướng tiếp cận được cho là khả thi nhất là đổi mới về công nghệ.
Chiến lược đổi mới công nghệ
Muốn đạt được mục tiêu này, các SME cần thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Nhận diện xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của các ngành sản xuất kinh doanh có sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Muốn nhận diện đúng cơ hội, SME cần quan sát và phân tích phí sản xuất trung bình của ngành mình đang hoạt động giữa quốc gia phát triển và đang phát triển.
Bước 2: Xác định nhóm doanh nghiệp và thu thập thông tin chi tiết về các doanh nghiệp ở các nước phát triển có nhu cầu di chuyển nhà máy sang các nước đang phát triển. Cần phân tích kỹ nhu cầu của họ trong việc quyết định đặt nhà máy để có biện pháp tiếp cận hợp lý.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ giới thiệu về các lợi thế nội tại của doanh nghiệp mình và thiết kế các kịch bản tiếp cận và thuyết phục đối tác hợp tác. Có thể tiếp cận đối tác thông qua các doanh nghiệp thương mại, môi giới thuộc quốc tịch các nước phát triển đang hoạt động tại Việt Nam.
Bước 4: Tiếp cận đối tác nước ngoài và đề xuất hướng hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế và thỏa mãn nhu cầu của hai bên. Lợi thế của các SME trong nước thường là có sẵn mặt bằng, thuận lợi trong thuê mướn lao động, am hiểu pháp luật; còn lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài là thiết bị, công nghệ, chuyên gia kỹ thuật, thị trường xuất khẩu. Nhu cầu của các SME là tiếp cận công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài là tối thiểu hoá chi phí sản xuất và thuê mướn lao động trực tiếp.
Bước 5: Ký kết hợp tác và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo thoả thuận.
Bước 6: Trong quá trình hợp tác, các SME cần có chiến lược tiếp cận nhanh và làm chủ công nghệ, dần dần phát triển hoạt động kinh doanh độc lập.
Bài học thành công của các SME trên thế giới
Trung Quốc là một trong những quốc gia đạt được tăng trưởng nhờ vào sự phát triển lớn mạnh của các SME. Các SME của Trung Quốc thực hiện rất thành công việc tiếp cận với doanh nghiệp ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ… để học hỏi công nghệ. Ban đầu SME của Trung Quốc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài để gia công, dần dần học tập và làm chủ công nghệ, tích tụ vốn để phát triển kinh doanh độc lập.
Thành công của các SME ở Thái Lan cũng tương tự nhờ vào chiến lược liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản trong vai trò sản xuất phụ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng cho các SME của Thái Lan mượn thiết bị, đào tạo công nghệ và bao tiêu sản phẩm gia công (do nhiều hoạt động tổ chức sản xuất tại Nhật Bản với giá thành cao, kém hiệu quả). Nhiều doanh nghiệp SME của Thái Lan đã phát triển lớn mạnh từ chiến lược đó.
Ở Việt Nam hiện nay cũng đang xuất hiện làn sóng di chuyển các cơ sở sản xuất từ các quốc gia phát triển trong một số ngành thâm dụng lao đông, nhất là các doanh nghiệp từ Nhật Bản. Nếu các SME của Việt Nam thực hiện chiến lược đổi mới công nghệ thông qua liên kết với doanh nghiệp các nước phát triển trong vai trò phụ trợ, từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ. Đó có thể là một hướng đi mới khả thi giúp SME thoát khỏi vòng luẩn quẩn “năng lực cạnh tranh kém”.