Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe:Tăng thuế, xử mức án nghiêm

Date: - View: 1146 - By:

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền

(trích trong bài viết Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe:Tăng thuế, xử mức án nghiêm- Báo Người lao động- ngày 09/5/2019)

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng rượu, bia ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới và có xu hướng ngày càng tăng. Đi kèm với đó là những hệ lụy về kinh tế, xã hội nói chung và với cá nhân, gia đình của người sử dụng rượu bia nói riêng, gây cản trở phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Rượu, bia đang là tác nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như các căn bệnh cấp tính và mạn tính, rối loạn tâm thần và các rối loạn cơ thể khác đối với người uống, ảnh hưởng xấu đến người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Tác hại dễ thấy nhất sau khi uống rượu, bia là gây tai nạn giao thông hoặc ngộ độc.... Các tác hại diễn ra từ từ và kéo dài như bệnh tật và xao nhãng công việc, năng suất lao động thấp, bạo lực gia đình và xung đột trong các mối quan hệ xã hội… Các khoản chi phí giải quyết các hậu quả liên quan sức khỏe là rất lớn.

Mặc dù tác hại của rượu bia rất lớn và khá rõ ràng nhưng việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia hiện nay chưa hướng đến giảm thiểu tác hại của chúng. Các đơn vị sản xuất kinh doanh rượu, bia liên tục phát triển quy mô và năng lực sản xuất; số lượng cấp phép sản xuất, phân phối rượu, bia ngày càng gia tăng. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia còn thấp, chưa đủ cao để hạn chế hành vi sử dụng.

Bên cạnh đó, rượu sản xuất thủ công chưa quản lý được về sản lượng, chất lượng và tiêu dùng vẫn còn phổ biến. Nhiều hộ gia đình sản xuất rượu không có đăng ký, cấp phép vẫn đưa ra bán trên thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia quy mô nhỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Các loại rượu sản xuất không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc dẫn đến tác hại về sức khỏe và nhà nước không thu được thuế.

Chưa kể rượu, bia được bày bán phổ biến ở hầu hết các địa điểm từ các quán nhậu, siêu thị, tạp hóa, khách sạn, nhà hàng ăn uống, cửa hàng giải khát, quán nước vỉa hè…, thậm chí tại căng-tin, nhà ăn của các cơ quan, công sở, doanh nghiệp… cũng có bán rượu, bia. Không có bất cứ sự hạn chế nào về số lượng, độ tuổi và điều kiện bán rượu, bia cũng như những cảnh báo về tác hại của rượu, bia. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào tại Việt Nam cũng có thể dễ dàng tiếp cận và uống rượu, bia.

Ngoài ra, lượng rượu ngoại nhập lậu trên thị trường vẫn còn phổ biến. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia mặc dù đã có quy định cấm hoặc hạn chế nhưng vẫn còn các trường hợp vi phạm. Hoạt động tài trợ rượu, bia diễn ra ngày càng nhiều; hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên, tần suất cao, quảng cáo nhiều trong các giờ vàng trên sóng truyền hình, nhất là các giải bóng đá lớn.

Để giảm tác hại của rượu, bia, trong đó có việc nhậu say tự lái xe rồi gây tai nạn, cần kiểm soát cả hai phía cung và cầu. Nguyên tắc xuyên suốt trong hạn chế hành vi sử dụng rượu, bia là "người sử dụng phải trả thêm tiền với mức cao tương đối so với thu nhập". Theo đó, cần gia tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc sản xuất rượu, bia để giá rượu, bia cao tương đối so với thu nhập của người uống, qua đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi, giảm sử dụng rượu, bia. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hình thức sản xuất rượu, bia thủ công, không đăng ký sản xuất - kinh doanh để hạn chế rượu, bia phân phối không đóng thuế và không bảo đảm chất lượng.

Cần ban hành và kiểm soát chặt chẽ các điều kiện đối với đơn vị sản xuất và phân phối rượu, bia. Xem rượu, bia là chất gây hại thì phải quy định rõ điều kiện đối với đơn vị phân phối, đối tượng và địa điểm không được phép bán, những trường hợp hạn chế số lượng bán. Song song đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ rượu, bia; lượng rượu ngoại nhập lậu.

LIÊN KẾT
FANPAGE