An sinh xã hội bền vững

Date: - View: 896 - By:
TS HUỲNH THANH ĐIỀN - SGGP 
 

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 để lại hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề. Các biện pháp kiểm soát dịch mạnh mẽ làm ngưng trệ nhiều về kinh tế ở khu vực chính thức và phi chính thức. Kéo theo đó là lao động mất việc làm và thu nhập, khu vực phi chính thức mất vốn làm ăn, nhiều trẻ em mồ côi… đặt ra nhiều vấn đề an sinh xã hội cần giải quyết căn cơ, bền vững.  

KHAI GIẢNG PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DỰ ÁN 20H NGÀY 26/10/2021

KHAI GIẢNG GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH 20H NGÀY 15/11/2021

Hiện tại, TPHCM vừa tiếp tục tập trung chăm lo an sinh xã hội cho người nghèo, vừa triển khai các giải pháp khôi phục việc làm, giúp người lao động thích nghi lâu dài với trạng thái “bình thường mới”. 

Theo thống kê, hiện có khoảng 53.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo, người đang lưu trú tại TPHCM gặp khó khăn. Tổng số người rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 cần hỗ trợ là hơn 7.340.000 người. Mặc dù TPHCM từng bước nới lỏng giãn cách kể từ ngày 1-10, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiếp diễn, các hoạt động kinh tế chưa thể đạt công suất hoạt động cao, khu vực phi chính thức vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhu cầu lao động thấp.

Như vậy, ít nhất 80% số người cần hỗ trợ hiện nay sẽ phải tiếp tục được hỗ trợ trong một thời gian dài nữa. Chỉ tính theo mức hỗ trợ đợt 3 mà thành phố đang thực hiện, mỗi đợt hỗ trợ cần hơn 7.300 tỷ đồng, thì chi phí hỗ trợ an sinh xã hội là con số không nhỏ đối với nguồn thu mà TPHCM được giữ lại.

Một thực tế nữa là nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, do nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn không có lợi nhuận hoặc ngưng hoạt động. Cho nên, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách hỗ trợ thì khó lòng chăm lo an sinh xã hội được chu toàn. Lúc này đây rất cần đến sự chung tay góp sức của những thành phần khá giả trong xã hội, nhất là của nhóm DN lớn hưởng lợi từ Covid-19, những DN kinh doanh dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên quốc gia hoặc có vị thế độc quyền nhóm... Thời gian qua, một số DN trong các nhóm này đã thể hiện tinh thần san sẻ với cộng đồng, song mức độ hỗ trợ vẫn chưa tương xứng. 

Lúc này đây cũng cần sử dụng công cụ điều tiết nguồn lực từ người nắm giữ nhiều tài sản san sẻ cho người nghèo bằng công cụ thuế. Các khoản từ thiện đã được tính vào chi phí để giảm thuế nộp có thể chưa đủ khuyến khích DN có lợi nhuận cao san sẻ cho người nghèo. Do vậy, cần có chính sách tăng thuế suất đối với các DN có lợi nhuận cao trong bối cảnh Covid-19. Khi đó, DN có lợi nhuận cao thường sẽ tăng chi phí từ thiện để giảm nộp thuế. Biện pháp đòn bẩy kinh tế này sẽ thúc đẩy nguồn lực được phân phối công bằng hơn, hoạt động từ thiện sẽ được DN có lợi nhuận cao quan tâm hơn. 

Bên cạnh sử dụng công cụ thuế để thúc đẩy hoạt động trách nhiệm xã hội đối với DN có lợi nhuận cao, tiếp tục phát động các phong trào từ thiện, thúc đẩy sáng kiến chăm lo an sinh xã hội trong cộng đồng, tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động từ thiện hỗ trợ người nghèo, nhất là chăm lo các trẻ mồ côi.

Công việc của lao động khu vực phi chính thức cũng có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ dần dần thích nghi với phương thức làm ăn mới. Vấn đề hỗ trợ vốn cho người kinh doanh nhỏ trong lúc này là cấp bách, trợ giúp họ khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cần khuyến khích thành lập các quỹ tín dụng địa phương để hỗ trợ vốn với thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận cho những người kinh doanh nhỏ. Khi nào nhóm người này trở lại kinh doanh bình thường, thì lúc đó mới nhẹ gánh chăm sóc an sinh xã hội của thành phố. 

Yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp mới của người lao động sẽ thay đổi cả ở khu vực chính thức, cũng như phi chính thức. DN sẽ tự mình đào tạo kỹ năng cho người lao động, người lao động ở khu vực phi chính thức sẽ tự mình điều chỉnh để thích ứng. Quá trình thích ứng sẽ nhanh hơn nhờ các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho họ làm ăn kịp thời.

 

LIÊN KẾT
FANPAGE