Ban hành kịp thời văn bản dưới luật

Date: - View: 1091 - By:
Hiện nay, hệ thống ban hành các văn bản pháp luật vẫn còn quá nhiều tầng nấc. Khi nhận thấy một vấn đề cần có luật điều chỉnh thì Quốc hội giao cho Chính phủ; Chính phủ giao cho bộ, ngành liên quan chủ trì soạn dự thảo, lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua. Quá trình này thường kéo dài khoảng 1 năm và các luật đó cũng chỉ quy định cái khung điều chỉnh, rất ít luật nào quy định chi tiết để có thể thực hiện được ngay. 

Khi luật được ban hành, còn phải chờ đến thời gian có hiệu lực, khi có hiệu lực rồi, còn nhiều trường hợp không thể áp dụng được vì chưa quy định cụ thể. Do vậy, lại phải chờ tiếp nghị định của Chính phủ. Có nghị định rồi còn phải chờ đến thông tư của bộ hướng dẫn; có thông tư, đôi khi còn phải đợi đến cơ quan đầu mối quản lý nhà nước ban hành các quy trình, biểu mẫu để hướng dẫn thực hiện. Với quy trình ban hành văn bản pháp luật như vậy, có khi mất từ 3 - 4 năm chính sách pháp luật mới có thể áp dụng trong cuộc sống nên đã có độ trễ nhất định và cũng không còn phù hợp nữa.

Điều khúc mắc nhất là các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật lại không áp dụng ngay được mà thường căn cứ vào văn bản hướng dẫn mang tính chi tiết ở tầng nấc thấp nhất để thực hiện. Ở đây, thường là các thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của bộ ngành hoặc các quy định thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành. Thực tế đó dẫn tới tình trạng thông tư đôi khi còn… cao hơn luật! Trong khi đó, ở cấp này, việc ban hành văn bản pháp luật thường ít được phản biện hơn nên dễ dẫn đến sự chồng chéo với các văn bản liên quan đồng cấp, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; cũng như dễ gặp phải lỗi không rõ nghĩa nên không nhất quán trong thực hiện ở các nơi, mỗi nơi hiểu mỗi cách. Còn rất nhiều trường hợp văn bản pháp luật được ban hành, gặp phải nhiều vướng mắc nhưng việc tiếp nhận, lắng nghe để chỉnh sửa thường rất chậm chạp. Có tình trạng nghe xong, ghi nhận và để đó luôn, chưa thấy tiếp thu, chỉnh sửa.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, việc giảm các tầng nấc ban hành văn bản pháp luật là quan trọng nhất. Bởi càng nhiều tầng nấc thì sự phản biện chính sách sẽ khó có thể được thực hiện tốt, dẫn đến sự chồng chéo, cách hiểu khó thống nhất. Bên cạnh đó, dù chính sách được thảo luận kỹ, những vướng mắc cũng là điều khó tránh khỏi, nên cần thiết lập kênh tiếp thu, phản hồi để kịp thời điều chỉnh. Đó là những việc làm rất thiết thực, cấp bách, giúp chính sách sớm đi vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn.
Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN,
Thành viên Nhóm tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM / Bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 25/11/2017
LIÊN KẾT
FANPAGE