Các đợt “giải cứu” nông sản được lặp đi lặp lại nhiều năm cho thấy các tự thân các chính sách từ nhà nước khó lòng giải quyết được vấn đề. Cần tạo cơ chế để thị trường tự giải quyết thông qua thúc đẩy khởi nghiệp những sản phẩm, dịch vụ mang tính giải pháp “giải cứu nông sản” là hướng lựa chọn cần nghĩ đến.
Củ cải trắng được "giải cứu" tại siêu thị Lotte Mart Gò Vấp
Giải cứu nông sản là một thông điệp được lặp đi lập lại nhiều năm. Gần đây, giải cứu củ cải; trước đó giải cứu hành tím, cà chua, thịt heo, dưa hấu,…; và nhiều khả năng tương lai sẽ tiếp tục có những đợt giải cứu khác.
Mỗi lần nghe đến thông điệp giải cứu, trong lòng xuất hiện cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui bởi vì cảm nhận được đạo lý “lá lành đùng lá rách”, tinh thần “tương thân, tương ái” vẫn còn nguyên vẹn trong bối cảnh kinh tế thị trường đầy nghiệt ngã (không ai cứu ai, người sản xuất và tiêu dùng theo đuổi lợi ích riêng của mình).
Buồn là vì thông điệp này cứ lặp đi, lặp lại đều đều hàng năm với những diễn biến sự kiện tương tự nhau, nguyên nhân tương tự nhau. Vậy mà, chưa thấy nhìn thấy được giải pháp căn cơ để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự “giải cứu”. Việc giải cứu trong những năm qua có được kết quả là nhờ vào các đơn phân phối, đơn vị tiêu dùng có sự quản lý ít nhiều của nhà nước. Nhưng sắp tới, khi các hệ thống phân phối không còn thuộc sự quản lý của nhà nước thì việc giải cứu sẽ gặp khó khăn hơn.
Việc giải cứu có những nguyên nhân khách quan bởi đặc thù của sản phẩm nông sản là có tính mùa vụ rất cao, từ lúc thu hoạch đến tiêu dùng rất ngắn nên không để tồn kho lâu được. Khi có sự cố xảy ra ở khâu tiêu thụ (dù rất nhỏ) cũng dễ gây ra tồn, úng, hư hỏng,… nếu không có biện pháp bảo quản, tiêu thụ hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân, lúc đó buộc phải phát đi thông điệp giải cứu khẩn thiết.
Người Sài Gòn tham gia "giải cứu" dưa hấu giúp nông dân miền Trung
Bên cạnh đó, khi thấy giá mặt hàng nào cao thì nhiều người đổ xô trồng nuôi sản phẩm đó nên thừa: được mùa, mất giá; được giá, mất mùa trong khi thị trường nông sản chậm được mở rộng, chỉ quanh vẫn tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu tiểu ngạch qua nước láng giềng. Để sản phẩm xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Úc,… phải đạt các tiêu chuẩn rất cao: an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, bao bì, bảo quản,…đồng thời phải có thương hiệu uy tính. Soi lại tiêu chí này thì nền nông nghiệp của mình chưa đạt, thị trường cứ quanh quẩn các nước lận cận với xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch nên dễ gặp sự cố bất ổn về thị trường.
Nhìn từ Bắc vào Nam rất có rất nhiều Viện nghiên cứu về nông nghiệp, quy hoạch, con giống, cây giống, giải pháp canh tác, phân bón, hoá chất phục vụ cho canh tác,… nhưng rất ít khi bàn và chú trọng đến khâu bảo quản, đóng gói, thương hiệu. Việc này đang định hướng ngành nông nghiệp trong nước theo đuổi năng suất, mà ít quan tâm đến khâu đầu ra, thương hiệu để đáp ứng được thị trường rộng lớn. Nếu tiếp tục cách làm này, rồi sẽ đến một ngày người tiêu dùng trong nước sẽ quay lưng với nông sản nội, người nông dân có nguy cơ thất bại ngay trên sân nhà.
Người nông dân không tự đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, họ chỉ đảm nhận khâu canh tác/ nuôi trồng nên không đủ thông tin về cung cầu, xu hướng tiêu dùng nông sản. Trong khi đó, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua, chế biến và nhà nước giữa thì rất lỏng lẻo. Khi doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu quay lưng với nông dân.
Giải pháp căn cơ nhất là thay đổi tư duy theo hướng đạt tiêu chuẩn chứ không nên theo đuổi năng suất, trọng tâm nhiều hơn đến khâu đầu cuối như thu hoạch, bảo quản, đóng gói, bao bì, thương hiệu để dễ dàng đưa nông sản đến với người tiêu dung. Đây là những khâu mà doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tham gia vừa có tiềm năng phát triển, vừa góp phần giải quyết căn cơ của thực trạng dẫn đến vấn đề giải cứu hiện nay.
Các dạng khởi nghiệp về giải pháp công nghệ kết nối thông tin cho sản phẩm; dịch vụ thương mại kết nối nông sản trong nước với thị trường nước ngoài; dịch vụ phụ trợ đóng gói, bao bì, bảo quản nông sản;… chắc hẳn sẽ có nhu cầu rất lớn. Vấn đề là các giải pháp này cần được thiết kế thành những sản phẩm, dịch vụ và nghĩ cách thương mại hoá được thì khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn.
Việc giải cứu được lặp đi lặp lại đủ cho thấy vấn đề “giải cứu” khó lòng trông chờ vào chính sách của nhà nước nên vấn đề giải cứu nông sản cứ lặp đi lặp lại hằng năm. Có lẽ việc tạo ra cơ chế thu hút khởi nghiệp với những sản phẩm, dịch vụ mang tính giải pháp cho vấn đề “giải cứu” sẽ là hướng lựa chọn phù hợp hơn. Lúc đó, cơ chế giúp thị trường tự điều chỉnh để giải quyết vấn đề mà không cần đến “giải cứu” cho mặt hàng nông sản.
Nếu thực hiện tốt việc liên kết doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với nông dân thì sẽ giải quyết được vấn đề. Trong đó vai trò điều tiết của nhà nước giữ then chốt:
- Dự báo cung cầu và thông tin cảnh báo đến dân: sử dụng công nghệ để thực hiện
- Đạt chuẩn và hướng đến thị trường rộng hơn: Nắm bắt các tiêu chuẩn nông sản toàn cầu để định hướng giống =>canh tác =>thu hoạch, bảo quản => thương hiệu.
- Đảm bảo liên kết hiệu quả giữa: nông dân => hợp tác xã => doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu: thông tin, đặt hàng, hỗ trợ kỹ thuật. Xem DN là trung tâm vì họ nắm bắt nhu cầu, tiếp cận khách hàng.
- Quan tâm nhiều hơn đến khâu đầu cuối sản phẩm: thu hoạch, bảo quản, đóng gói, bao bì, thương hiệu.
- Hướng đến tiêu chuẩn chứ không nên theo đuổi năng suất.