Reatimes - Hà Thương (thực hiện)
Giao chỉ tiêu tăng trưởng đối với 63 địa phương không chỉ thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu đặt ra mà còn buộc các địa phương phải nỗ lực hành động, đóng góp sức mình vào tăng trưởng chung của cả nước.
Năm 2025 được xem là thời điểm "bản lề" của nền kinh tế, đánh dấu giai đoạn tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng, mà còn là bước đệm vững chắc để Việt Nam tiến tới những mục tiêu phát triển cao hơn trong tương lai, bước vào kỷ nguyên mới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Năm nay, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu được Chính phủ xác lập là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên con số này cũng đặt ra không ít thách thức. Bởi nhìn lại trong gần 10 năm qua (2016 - 2024), chỉ có duy nhất năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,02%. Nhưng thời điểm đó có yếu tố đặc biệt là năm 2021 tăng trưởng thấp. Tức là nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022 một phần dựa trên nền tăng trưởng thấp của năm trước đó. Còn thời điểm hiện tại, sau đà phục hồi mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,09% trong năm 2024. Trên nền tăng trưởng cao như vậy cùng với kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc đạt mức tăng 8% là thách thức không nhỏ.
Trong bối cảnh đó, việc "khoán" chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho các địa phương đóng vai trò then chốt, tạo động lực mạnh mẽ để các tỉnh, thành phố chủ động, sáng tạo khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc ban hành riêng một nghị quyết để giao chỉ tiêu tăng trưởng đến từng địa phương (Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2) - điều chưa từng có trong tiền lệ. Giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương không chỉ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả, mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự năng động và trách nhiệm của chính quyền các cấp.
Ngày 21/2, Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương để rà soát và thúc đẩy các nhiệm vụ giải pháp nhằm giúp các địa phương đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Điều đáng mừng là chúng ta thấy tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trong toàn dân".
Những hành động của Chính phủ không chỉ thể hiện quyết tâm cao của nhà điều hành trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu đặt ra mà còn buộc các địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, năng lực quản lý, và đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp, nỗ lực đóng góp sức mình vào tăng trưởng chung của cả nước. Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) về vấn đề này.
PV: Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2 về việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% đối với các địa phương trong năm 2025. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết để giao chỉ tiêu tăng trưởng đến từng tỉnh/thành. Theo chuyên gia, điều này đang cho thấy quyết tâm gì của nhà điều hành?
TS. Huỳnh Thanh Điền: Trước đây, các địa phương sẽ chủ động đăng ký chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, rồi "mạnh ai nấy làm". Điều này dẫn đến các địa phương thường đặt chỉ tiêu dễ thực hiện, rất ít địa phương dám đặt chỉ tiêu cao, thách thức. Thế nên, việc khơi dậy tinh thần nỗ lực, phấn đấu để chinh phục các mục tiêu mới của đa số các địa phương là chưa có. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của cả nước lại phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng của các địa phương. Nền kinh tế của cả nước sẽ không thể bứt phá, nếu các địa phương không đột phá.
Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng nhằm "khoán tăng trưởng" về từng địa phương, một mặt đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực, chủ động, sáng tạo các giải pháp như: Quy hoạch không gian, cải thiện môi trường đầu tư để không ngừng tăng trưởng GRDP, nhưng mặt khác, cũng tạo tiền đề, động lực cho các địa phương bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để "dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Ngược lại, việc "khoán tăng trưởng" cho từng địa phương cũng là cách để xác định trách nhiệm của Chính phủ trong hỗ trợ địa phương đạt các mục tiêu đề ra. Bởi khi giao chỉ tiêu như vậy, trong quá trình địa phương thực hiện gặp phải khó khăn, vướng mắc gì, địa phương sẽ dễ dàng xin ý kiến, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan để được hướng dẫn và tháo gỡ. Từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành cũng sẽ biết mình cần thay đổi gì, thực hiện những giải pháp nào để phù hợp với từng địa phương.
Nhìn chung, tất cả những điều này đều cho thấy quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả nước tối thiểu 8% trong năm 2025 và hướng đến tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
PV: Theo Nghị quyết 25, khoảng hai phần ba địa phương được giao có tốc độ tăng trưởng 2 con số. Riêng hai "đầu tàu" kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, mức chỉ tiêu được giao lần lượt là 8% và 8,5%. Những mục tiêu này liệu có thách thức đối với các địa phương, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn có nhiều biến động?
TS. Huỳnh Thanh Điền: Phải khẳng định, đây là những mục tiêu khó, chắc chắn sẽ tạo ra không ít thách thức đối với các địa phương. Tuy nhiên, những mục tiêu này là ngắn hạn, chỉ trong năm 2025, chứ không phải dài hạn. Khi giao ngắn hạn, Chính phủ phải tính toán kỹ các điều kiện để địa phương có thể làm được như việc chuẩn bị mặt bằng, hệ sinh thái của doanh nghiệp, điều kiện vị trí, hạ tầng giao thông hay sự năng động của chính quyền địa phương… Có nghĩa, việc giao chỉ tiêu như thế nào đã được Chính phủ cân nhắc rất rõ. Thế nên, dù là thách thức, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của các địa phương vẫn lớn.
PV: Không phải Hà Nội hay TP.HCM, mà Bắc Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng, Quảng Ninh mới là các địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất năm 2025 với lần lượt là 13,6%, 13%, 12,5% và 12% . Vì sao vậy, thưa chuyên gia?
TS. Huỳnh Thanh Điền: Bắc Giang, Ninh Thuận hay Hải Phòng, Quảng Ninh là các địa phương hiện đang có điều kiện phát triển rất tốt. Họ có quy hoạch không gian bài bản với các khu công nghiệp rất rõ ràng. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao cũng đang quy tụ về đây. Trong khi đó, đây lại là những ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM)
Với tình hình địa chính trị như hiện tại, Việt Nam được dự đoán sẽ có lợi cho xuất khẩu vào giai đoạn tới. Các doanh nghiệp lớn sẽ tăng mạnh đơn hàng. Khi đó, Bắc Giang, Ninh Thuận hay Hải Phòng sẽ là những địa phương đi đầu hưởng lợi. Tôi tin là các địa phương này sẽ dư sức đạt được tốc độ tăng trưởng đặt ra.
Còn Hà Nội và TP.HCM - đây là 2 đô thị lớn nhất của cả nước, nhưng dư địa tăng trưởng không nhiều. Sau một giai đoạn dài phát triển nhanh chóng, Hà Nội và TP.HCM hiện đã rơi vào trạng thái bão hoà. Thời điểm hiện tại, hai "đầu tàu" kinh tế này còn đang loay hoay giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Ví dụ, Hà Nội không còn quỹ đất rộng để có thể phát triển các kho bãi, xưởng sản xuất… nên không thể thu hút thêm các doanh nghiệp mới hay các doanh nghiệp cũ cũng khó mở rộng quy mô. Do đó, để đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc như các địa phương khác thì trong ngắn hạn, Hà Nội hay TP.HCM rất khó thực hiện.
Còn tiếp, xem Link gốc: Tại đây