Cải cách hành chính, cần thực hiện đồng bộ

Date: - View: 1303 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN I Việc tổ chức nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực thi chính sách pháp luật đều ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Cải cách hành chính không chỉ là đơn giản hoá việc tiếp nhận và trả kết các thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ của cán bộ công chức, mà cần được thực hiện động bộ tất cả các khâu.

Lâu nay, cải cách hành chính xoay quanh việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần phục vụ của đội ngũ thực thi pháp luật. Nhiều địa phương rất quyết liệt trong việc nâng cao tinh thần phục vụ thông qua thiết lập cơ chế tiếp nhận và trả kết quả một cửa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, cũng như triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức. Các nổ lực này chỉ góp phần giảm bớt các đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, còn nhiều thủ tục được quy định ở các văn bản khác nhau, thiếu nhất quán gây phức tạp, chậm trễ, phiền hà làm tăng chi phí không chính thức cho người dân. Do vậy, nhiều người cho rằng việc cải cách hành chính trong thời gian qua chỉ thực hiện mang tính hình thức, vẻ bề ngoài; còn nội hàm bên trong vẫn chưa cải thiện đáng kể.

Hiểu đầy đủ cải cách hành chính:

Muốn cải cách hành chính thành công, cần có cái nhìn tổng thể về các nguyên tắc, luật lệ (gọi chung là pháp luật) điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Pháp luật có vai trò quan trọng thúc đẩy hoặc làm trì chệ quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cần nhận diện nguồn gốc ban hành, nội dung quy định, điều kiện thực hiện và thẩm quyền giải quyết của pháp luật để xác định đâu là khâu cần cải cách, trọng tâm của cải cách sao cho tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ máy quản lý nhà nước phân chia theo chiều dọc (từ trung ương đến địa phương) và chiều ngang (giữa các cơ quan đồng cấp của trung ương, địa phương với nhau) quy định việc ban hành, thực thi, kiểm soát các nguyên tắc, luật lệ. Ở ta, cơ cấu quản lý nhà nước phân chia chiều dọc chưa có sự tách bạch về nhân sự giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp nên chức năng giám sát chưa hiệu quả. Phân cấp quản lý nhà nước theo chiều ngang thể qua việc ban hành văn bản hướng dẫn và thực thi pháp luật còn chưa đồng bộ, thiếu liên kết giữa các ngành, các cấp. Có những chức năng quản lý nhà nước thì nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng có những chức năng thì chưa rõ cơ quan chủ trì. Đây là nguyên nhân dẫn đến độ trễ chính sách, gây khó khăn về thủ tục hành chính, trì trệ các hoạt động kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hệ thống các nguyên tắc bao gồm hiến pháp, pháp luật, thông tư, nghị định, quyết định, quy chế, quy trình, quy định điều chỉnh các hoạt động kinh tế về quyền sở hữu tài sản; điều kiện kinh doanh, quyền cấp phép kinh doanh; chế độ báo cáo, nghĩa vụ thuế; kết thúc hoạt động kinh doanh (phá sản); bảo hiểm rủi ro; và các chính sách khuyến khích ưu đãi, hạn chế kinh doanh;…Dễ thấy, hệ thống các nguyên tắc này được cấu thành quá phức tạp, nhiều cấp ban hành, chồng chéo, dễ bị cài cấm lợi ích,… là nguyên nhân gây ra sự phiền hà và chi phí không chính thức đối với người dân và doanh nghiệp.

Công cụ thực thi pháp luật bao gồm bộ máy hành pháp, giám sát, và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của công chức. Ở ta, việc phân chia trách nhiệm thực thi pháp luật, cơ chế kiểm soát trong nội bộ cơ quan hành pháp còn nhiều chồng chéo, nhất là phân cấp phân quyền trong kiểm tra, giám sát. Rất nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế quy định chung chung, thiếu đầu mối triển khai đến các đối tượng liên quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đôi khi chưa rõ ràng và kịp thời dẫn đến hiểu không nhất quán (mỗi nơi hiểu nơi hiểu mỗi kiểu khác nhau). Nguyên nhân là do còn chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, cũng như năng lực, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công chức chưa cao. Nhất là tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh còn phổ biến là nguyên nhân dẫn đến kém hiệu quả của các chính sách được ban hành.

Chính sách ban hành rất khó đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Bởi vì thực tiễn luôn phát sinh vấn đề mới có thể làm chính sách dần trở nên lạc hậu, cần điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, cần phải xây dựng kênh phản hồi từ đối tượng được điều chỉnh đến cơ quan ban hành hiệu quả. Tuy nhiên, kênh phản hồi chính sách chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam. Đáng chú ý là cơ chế tiếp nhận phản hồi chưa được quy định rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý phản hồi cũng rất hạn chế.

Cải cách cần tầm nhìn tổng thể và sâu sắc:

Cần tầm nhìn tổng thể và sâu sắc về cải cách hành chính từ khâu xây dựng các văn bản pháp luật có chất lượng, đến thực thi chính sách. Trước hết, tổ chức quản lý nhà nước theo phải tách bạch về nhân sự giữa cơ quan hành pháp và lập pháp nhằm đảm bảo tính khách quan trong ban hành luật, đảm bảo hiệu quả của các cơ quan giám sát thực thi chính sách. Hơn nữa, thường xuyên rà soát sự chồng chéo trong phân cấp quản lý nhà nước đối để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Cạnh đó, giảm bớt số lượng cơ quan ban hành văn bản pháp luật, nhất là các văn bản cấp Bộ ngành để tránh sự thiếu nhất quán và xung đột giữa các quy định pháp luật, nhât. Đồng thời tăng cường chất lượng công tác làm luật theo hướng tăng đội ngũ cán bộ chuyên trách để đảm bảo các quy định ban hành gắn với hoạt động thực tiễn.

Bộ máy hành pháp cần được thiết kế theo hướng thông suốt, không chồng chéo trong quản lý nhà nước. Đồng thời từng bước nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của công chức. Muốn vậy, cần cải cách chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức, và đi kèm với chế tài xử phạt nặng đối với hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Việc tăng lương phải đi kèm với tinh giản bộ máy hành chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phổ biến chính sách và giải quyết các thủ tục hành chính. Làm được như vậy thì việc tăng lương sẽ không tạo áp lực tăng quỹ lương, gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo chính sách pháp luật được thực thi hiệu quả.

Cuối cùng là xây dựng các kênh tiếp nhận phản hồi chính sách từ người dân để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Kênh phản hồi nên được thiết lập qua trung gian các hiệp hội ngành nghề, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận phản hồi nhanh chóng và hiệu quả. Cần xây dựng quy chế, thậm chí pháp luật để điều chỉnh hoạt động tiếp nhận và xử lý phản về chính sách đã ban hành.

LIÊN KẾT
FANPAGE