Cải cách hành chính xuyên suốt và đồng bộ

Date: - View: 1572 - By:
Trích ý kiến TS Huỳnh Thanh Điền trong bài viết  "Nhìn lại 7 chương trình đột phá - Tạo nền tảng vững chắc để TPHCM phát triển" đăng trên  SGGP 
 
TPHCM muốn cải cách hành chính thành công, cần có cái nhìn tổng thể về các nguyên tắc, luật lệ (gọi chung là pháp luật) điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Pháp luật có vai trò quan trọng thúc đẩy hoặc làm trì trệ quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Cần nhận diện nguồn gốc ban hành, nội dung quy định, điều kiện thực hiện và thẩm quyền giải quyết của pháp luật để xác định đâu là khâu cần cải cách, trọng tâm của cải cách sao cho tiện lợi cho người dân và DN. 
Bộ máy quản lý nhà nước phân chia theo chiều dọc (từ trung ương đến địa phương) và chiều ngang (giữa các cơ quan đồng cấp của trung ương, địa phương với nhau) quy định việc ban hành, thực thi, kiểm soát các nguyên tắc, luật lệ. Ở nước ta, cơ cấu quản lý nhà nước phân chia chiều dọc, chưa có sự tách bạch về nhân sự giữa 2 cơ quan hành pháp và lập pháp nên chức năng giám sát chưa hiệu quả. Phân cấp quản lý nhà nước theo chiều ngang thể hiện qua việc ban hành văn bản hướng dẫn và thực thi pháp luật chưa đồng bộ, thiếu liên kết giữa các ngành, các cấp. Có những chức năng quản lý nhà nước thì nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng có những chức năng chưa rõ cơ quan chủ trì. Đây là nguyên nhân dẫn đến “độ trễ” chính sách, gây khó khăn về thủ tục hành chính, trì trệ các hoạt động kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Hệ thống các nguyên tắc bao gồm hiến pháp, pháp luật, thông tư, nghị định, quyết định, quy chế, quy trình, quy định điều chỉnh các hoạt động kinh tế về quyền sở hữu tài sản; điều kiện kinh doanh, quyền cấp phép kinh doanh; chế độ báo cáo, nghĩa vụ thuế; kết thúc hoạt động kinh doanh (phá sản); bảo hiểm rủi ro; các chính sách khuyến khích ưu đãi, hạn chế kinh doanh… Dễ thấy, hệ thống các nguyên tắc này được cấu thành quá phức tạp, nhiều cấp ban hành, chồng chéo, dễ bị cài cắm lợi ích nhóm… là nguyên nhân gây ra sự phiền hà và chi phí không chính thức đối với người dân và DN. 
Trong khi đó, chính sách ban hành rất khó đáp ứng hoàn hảo các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Bởi thực tiễn luôn phát sinh vấn đề mới có thể làm chính sách dần trở nên lạc hậu, cần điều chỉnh cho phù hợp. Do vậy, cần phải xây dựng kênh phản hồi từ đối tượng được điều chỉnh đến cơ quan ban hành hiệu quả, điều này vốn chưa được chú trọng đúng mức trong thời gian qua. 
TPHCM muốn cải cách hành chính, cần tầm nhìn tổng thể và sâu sắc, từ khâu xây dựng các văn bản pháp luật có chất lượng, đến khâu thực thi chính sách. Trước hết, tổ chức quản lý nhà nước phải tách bạch về nhân sự giữa cơ quan hành pháp và lập pháp nhằm đảm bảo tính khách quan trong ban hành luật, đảm bảo hiệu quả của các cơ quan giám sát thực thi chính sách. Hơn nữa, thường xuyên rà soát sự chồng chéo trong phân cấp quản lý nhà nước để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, giảm bớt số lượng cơ quan ban hành văn bản pháp luật để tránh sự thiếu nhất quán và xung đột giữa các quy định pháp luật. 
Bộ máy hành pháp cần thiết kế theo hướng thông suốt, không chồng chéo trong quản lý nhà nước. Đồng thời, từng bước nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của công chức. Muốn vậy, TPHCM phải cải cách chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo đời sống cho cán bộ công chức và đi kèm với chế tài xử phạt nặng đối với hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Việc tăng lương phải đi kèm với tinh giản bộ máy hành chính. Cuối cùng là TPHCM nên xây dựng các kênh tiếp nhận phản hồi chính sách từ người dân để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Kênh phản hồi nên được thiết lập qua trung gian các hiệp hội ngành nghề, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận phản hồi nhanh chóng và hiệu quả. Cần xây dựng quy chế để điều chỉnh hoạt động tiếp nhận và xử lý phản ánh về chính sách đã ban hành.
TS Huỳnh Thanh Điền (Thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2018)
MẠNH HOÀ ghi
LIÊN KẾT
FANPAGE