Cải cách tiền lương để giảm chi phí không chính thức cho dân

Date: - View: 1226 - By:

TS HÙYNH THANH ĐIỀN

Lương chính thức không đảm bảo cuộc sống buộc lòng phải nghĩ đến thu nhập ngoài lương thông qua nhũng nhiễu hoặc tìm thêm nguồn thu nhập bên ngoài là nguyên nhân dẫn đến bộ máy hành chính kém hiệu quả và chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp.

Hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội không những quyết định bởi chất lượng của chính sách, mà còn phụ thuộc nhiều công tác thực thi chính sách. Rất nhiều chính sách được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí tạo ra tác dụng ngược. Bởi vì còn một phận không nhỏ cán bộ công chức dựa vào cơ chế để kiếm thêm thu nhập, chứ chưa thực hiện đúng với chức trách của mình. Đội ngũ cán bộ công chức là trung tâm thực thi của mọi chính sách. Thái độ và hành vi của họ quyết định niềm tin của người dân vào những chính sách, quyết định chính sách tạo ra hiệu ứng tiêu cực hoặc tích cực.

Chẳng hạn như việc tăng mức phạt gây ô nhiễm môi trường để doanh nghiệp giảm mức phát thải, nhưng nếu đội ngũ chấp pháp lợi dụng mức phạt cao để vòi vĩnh nhiều hơn, chứ không thực hiện nghiệm việc xử phạt thì chính sách đó chỉ tạo nên khó khăn cho doanh nghiệp. Tương tự, nếu tăng mức phạt hành chính vi phạm giao thông, lợi dụng điểm này cảnh sát ép người vi phạt nộp tiền riêng cho mình nhiều hơn, chứ không xử lý nghiêm minh thì chính sách sẽ phản tác dụng.

Rất nhiều chính sách trợ giúp doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa,…được ban hành, nhưng rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Rất nhiều các điều kiện với thủ tục hành chính phức tạp, cài cấm lợi ích giúp cán bộ thực thi lợi dụng để nhũng nhiễu, vòi vĩnh thuộc đối tượng hỗ trợ. Lâu ngày, người dân và doanh nghiệp mất niềm tin vào các chính sách trợ giúp, nên mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp không mặn mà tiếp nhận các hỗ trợ đó.

Hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp đều đặt dưới sự quản lý nhà nước. Từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều thủ tục để thoả mãn các điều kiện mới được cấp phép; đến khâu xây dựng phải chuẩn bi rất nhiều thủ tục liên quan đến xây dựng, an toàn, nhập khẩu máy móc thiết bị,…Khi đi vào kinh doanh, rất nhiều hoạt động chịu sự quản lý của nhà nước từ thuê mướn lao động, xuất nhập khẩu, quảng cáo, bán hàng, quyết toán thuế,… điều chịu sự quản lý của nhà nước. Nếu đội ngũ chấp pháp quản lý doanh nghiệp không nêu cao tinh thần phục vụ, vô tư trong duy trì môi trường cạnh tranh công bằng mà nhũng nhiễu, vòi vĩnh thì sẽ gây ra chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp rất lớn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ ngại lớn, luồng lách nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của ngân sách.

Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh được nhận diện từ sớm và cũng có nhiều chế tài xử lý vi phạm, cũng như có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn chưa có chuyển biến đáng kể bởi vì thực tế khách quan là phân đông cán bộ công chức không thể sống từ đồng lương của mình. Khi nào người ta sống tốt bằng thu nhập từ công việc thì người ta sẽ chuyên tâm làm tốt công việc đó, ngược lại người ta sẽ sử dụng quyền hạn của mình để tìm cách kiếm thêm thu nhập. Thu nhâp tăng thêm từ nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ công chức chính là chính phí không chính thức của người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân cơ bản của tồn tại này là tiền lương thấp và cào bằng không đảm bảo cuộc sống, buộc lòng phải nhũng nhiễu hoặc tạo ra cơ chế nhằm dễ bề kiếm vun vén lợi ích. Vì mức lương không đảm bảo cuộc sống nên dẫn đến việc cài cấm lợi ích vào cơ chế, tạo điều kiện cho nhau để kiếm thêm thu nhập từ cơ chế. Đáng nói là hành vi này không chỉ ở phạm vi cá nhân, mà thành hệ thống trong một vài lĩnh vực. Đây chính là cản trở lớn nhất trong quá trình cải cách hành chính trong những năm qua.

Để giảm chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp, cần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng nâng cao tinh thần phục vụ của cán bộ công chức. Điều quan trọng nhất là phải cải cách tiền lương sao cho đảm bảo cuộc sống của cán bộ công chức. Tiền lương cần được trả theo vị trí công việc, vị trí và trách nhiệm càng cao thì mức lương càng cán bộ toàn tâm, toàn ý và vô tư khi ban hành và thực thi các chính sách quản lý xã hội. Khi tiền lương cao, cán bộ công chức vì sợ mất việc mà hạn chế bớt những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh để chuyên tâm nghiên cứu, ban hành và thực thi chính sách với tinh thần phục vụ cao. Khi đó, niềm tin người dân vào chính sách quản lý sẽ hội sẽ cao, họ sẽ đồng hành cùng chính quyền trong quản lý trật tự xã hội và phát triển kinh tế. 

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước eo hẹp (mất nguồn thu từ thuế nhập khẩu theo cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới), nhiều người e ngại việc tăng lương không khả thi. Do vậy, việc tăng lương gắn liền với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, loại bỏ được các hành vi cài cấm lợi ích vào cơ chế, nhũng nhiễu, vòi vĩnh thì chi phí không chính thức sẽ giảm. Khi đó, doanh nghiệp sẽ làm ăn hiệu quả cao hơn, thu nhập của người dân cao hơn, giao dịch trong nền kinh tế sôi động hơn nên thu được thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tang nhiều hơn. Do vậy, chính sách cải cách tiền lương sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách cao hơn, mức tăng này có thể cao mức tăng ngân sách dành cho trả lương theo cơ chế mới.

Bên cạnh đó, cần nhất quán nguyên tắc cải cách tiền lương sao cho không tạo áp lực lên ngân sách nhà nước, tăng lương nhưng không gia tăng lớn tổng quỹ lương.  Muốn vậy, cần giảm đối tượng hưởng lương thong qua các biện pháp tinh giản bộ máy hành chính. Muốn tinh giản bộ máy, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính. Trong xu hướng công nghệ thông tin phát triển nhanh với nền tảng internet, dữ liệu lớn, điện toán đám mây,…có thể phát triển nhiều giải pháp công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính với chi phí không cao. Giải pháp này không những giúp tinh giản bộ máy mà còn góp phần giảm thời gian giải quyết các thủ tực hành chính, chi phí hành chính cho ngân sách nhà nước; góp phần tăng năng suất và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Mọi công cuộc cải cách đều vướng phải những trợ lực về sự đối đầu giữa cái mới và cái cũ, giữa được và cái mất, giữa ủng hộ và phản đối,… Khi cải cách, mất mát, xung đột có thể nhìn thấy trước mắt; còn triển vọng về cái được, hiệu quả dài hạn thì chưa chắc có thể đạt được. Không phải tất cả những người lãnh đạo cấp cao, đội ngũ thực thi cấp dưới đều có thế nhìn thấy được triển vọng của sự đổi mới; còn cái mất mát, xáo trộn trong tổ chức là việc trước mắt và ai cũng có thể nhìn thấy. Cái mất mát trước mắt luôn là cái cớ, cái lý để người không ủng hộ phản biện, chống đối. Sự chống đối, cản trở được thực hiện bởi những nhóm lợi ích từ cơ chế, cách làm cũ. Đó là những trở lực cần được nhận diện trước để thực hiện với lộ trình thích hợp theo trình tự xua tan trở, từng bước tạo sự đồng thuận xã hội, rồi lan rộng đến các ngành các cấp.

Việc cải cách chính sách tiền lương và cải cách hành chính cần ưu tiên với lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn như công tác cấp phép kinh doanh, xây dựng, đất đai, môi trường, thuế, hải quan, công an,…là các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện cải cách trước trong những lĩnh vực này có hiệu quả thì người dân và doanh nghiệp sẽ nhanh chống cảm nhận và ủng hộ đường lối cải cách. Khi đó, sẽ tạo được bầu không khí, xua tan các trở lực cho công cuộc cải cách lan rộng đến tất cả các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị. 

LIÊN KẾT
FANPAGE