Cần có chương trình kích cầu đầu tư cấp quốc gia

Date: - View: 14 - By:

Hướng đi cần thiết và phù hợp

- Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Theo ông, Luật có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của kinh tế nước ta?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, việc xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm là rất cần thiết, trong bối cảnh chúng ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến tới mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặc biệt, trong đề cương dự thảo Luật có quy định rõ về phát triển công nghiệp hỗ trợ là hết sức cần thiết và phù hợp với bối cảnh của nước ta.

 

- Vì sao ông lại cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ là phù hợp?

- Nhìn lại bối cảnh của Việt Nam trong phát triển công nghiệp, có thể thấy, chúng ta không có nhiều lợi thế trong sản xuất sản phẩm đầu cuối, nhất là với những sản phẩm công nghệ cao, bởi những sản phẩm đó thường phải làm rất mạnh về công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), về xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mang tính toàn cầu. Thông thường, ở các nước phát triển làm tốt các công tác này. Do vậy, tôi cho rằng, ngành công nghiệp của Việt Nam nói chung, nhất là công nghiệp trọng điểm, cần tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, tức là sẽ làm chi tiết, cụm chi tiết cho các hãng, các tập đoàn đa quốc gia làm sản phẩm đầu cuối.

Sẽ có những lo ngại là nếu phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ khó nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa sản xuất của Việt Nam so với việc làm được sản phẩm hoàn chỉnh, thậm chí đâu đó còn tư duy coi công nghiệp hỗ trợ là không quan trọng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới là doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, như Essentra Components, nhà sản xuất và phân phối hàng đầu trên thế giới về các linh kiện công nghiệp phụ trợ. Trong cơ cấu sản phẩm công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm rất cao. Công nghiệp hỗ trợ rất phù hợp với những nước mới nổi, đang “cất cánh” như Việt Nam, bởi khi chưa có khả năng làm tổng thể thì việc làm ra các chi tiết và dần dần chuyên môn hóa, đưa chi tiết đó vào trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực là hướng đi cần thiết.

Hiện, chúng ta cũng đang có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đó trước hết là sự quyết tâm của Nhà nước, với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy. Bên cạnh đó có yếu tố rất quan trọng là sự thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà máy từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ.

Nên thiết kế chính sách khuyến khích cho cả doanh nghiệp lớn

- Thực tế, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành song ngành này vẫn chưa phát triển như mong đợi. Vậy tới đây, theo ông, cần làm thế nào?

- Vấn đề quan trọng là chúng ta phải có quy hoạch cụ thể xem chỗ nào thì phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành gì, từ đó rõ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư và có các cơ chế, chính sách khuyến khích đi kèm.

 

Từ kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh khi triển khai chương trình kích cầu đầu tư, tôi cho rằng, Nhà nước cần có chương trình kích cầu đầu tư cấp quốc gia. Theo đó, những doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ chi phí lãi vay trong một thời gian nhất định, chẳng hạn 50% hoặc 70% trong 7 - 10 năm. Bởi vì sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ rất rủi ro, vì làm chi tiết cho vài dòng sản phẩm đặc biệt nào đó nhưng nếu không được doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đó đặt hàng thì doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ bị lỗ, không thể trả lãi ngân hàng. Do đó, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước.

Xây dựng chương trình kích cầu đầu tư cấp quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: Thanh Hiền
Xây dựng chương trình kích cầu đầu tư cấp quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ảnh: Thanh Hiền

Cùng với đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp công tác kết nối với bạn hàng, với thị trường. Tất nhiên, doanh nghiệp phải làm là chính, nhưng nếu có bàn tay của Nhà nước thông qua việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài sẽ là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp. Khi có bạn hàng, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư.

Một điểm quan trọng nữa là hiện nay, đại đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô nhỏ và vừa, trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng thế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những doanh nghiệp lớn làm về công nghiệp hỗ trợ. Muốn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh chính sách cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần quan tâm tới cả những doanh nghiệp lớn, thiết kế chính sách khuyến khích riêng cho họ để họ thực sự đóng vai trò dẫn dắt, kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cùng phát triển. Còn với các doanh nghiệp nhỏ thì cần tạo điều kiện cho họ lớn như hỗ trợ về mặt bằng, vốn, công nghệ, kết nối.

- Việc kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn hạn chế, làm thế nào để cải thiện, thưa ông?

Tôi đi giảng dạy ở nhiều công ty FDI và đã hỏi tại sao họ không sử dụng nhà cung ứng của Việt Nam. Họ trả lời là không phải họ không muốn sử dụng, mà là họ chưa tìm được. Vì thế, muốn kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với doanh nghiệp FDI, Nhà nước cần rà soát các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ xem họ có thể làm được gì đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI, từ đó có chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi thế, chương trình kích cầu mang tính quốc gia là rất cần thiết.

 

Mặt khác, có thể đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI mà sử dụng nhà cung ứng trong nước, như thế cũng sẽ tăng tính kết nối, tạo cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

LIÊN KẾT
FANPAGE