TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Trong đàm phán, đe dọa là một chiến thuật không mới nhưng luôn gây tranh cãi. Nó có thể tạo ra sức ép mạnh mẽ, buộc đối phương nhượng bộ khi cảm thấy không còn lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của đe dọa phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh, tương quan sức mạnh, cũng như tâm lý của bên bị đe dọa. Nếu đe dọa không đủ sức nặng, không có khả năng thực thi hoặc được lặp đi lặp lại quá nhiều lần, nó sẽ mất hiệu lực và thậm chí khiến đối phương phản kháng. Ngược lại, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng cách, đe dọa có thể giúp phá vỡ thế bế tắc, tạo lại ưu thế đàm phán và dẫn đến những thỏa thuận có lợi.
Tổng thống Donald Trump là người đã đưa chiến thuật đe dọa lên thành một phần trung tâm trong chính sách đối ngoại và thương mại của mình, đặc biệt là thông qua việc sử dụng thuế quan. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không chỉ là lời hô hào trong chiến dịch tranh cử mà còn được cụ thể hóa bằng hành động: đe dọa áp thuế hoặc thực sự đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại, bất kể đó là đồng minh hay đối thủ. Mục tiêu của ông là buộc các quốc gia phải ngồi lại bàn đàm phán, tái thiết lại các thỏa thuận mà ông cho là “bất công” với Mỹ.
Chiến lược này đã được Trump triển khai mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Kể từ năm 2018, chính quyền Trump liên tiếp áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, với lý do bảo vệ nền công nghiệp Mỹ và buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách mà Washington cho là không công bằng, từ việc trợ cấp công nghiệp, thao túng tỷ giá cho đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc không im lặng. Thay vì nhượng bộ sớm, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế tương đương lên hàng hóa Mỹ, đặc biệt là mặt hàng nông sản có ảnh hưởng chính trị lớn tại các bang ủng hộ Trump. Cuộc chiến thương mại leo thang trong gần hai năm, gây tổn thất lớn cho cả hai bên và khiến kinh tế toàn cầu chao đảo, trước khi hai bên ký “Thỏa thuận Giai đoạn Một” vào đầu năm 2020. Dù vậy, nhiều vấn đề then chốt vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đáng chú ý, cùng một chiến thuật đe dọa thuế quan nhưng khi áp dụng với các đồng minh của Mỹ và các nước nhỏ lại cho kết quả khác. Với Canada và Mexico, sau khi bị đe dọa rút khỏi NAFTA và phải đối mặt với thuế nhập khẩu thép, hai nước này đã nhanh chóng nhượng bộ và đồng ý đàm phán lại, dẫn đến hiệp định USMCA, trong đó Mỹ đạt được một số điều khoản có lợi hơn. Nhật Bản, vốn rất phụ thuộc vào thị trường xe hơi Mỹ, cũng chọn cách ký thỏa thuận song phương để tránh xung đột. Ngay cả Liên minh châu Âu, sau một vài phản ứng cứng rắn ban đầu, cũng đồng ý thảo luận với Mỹ về cải cách thương mại song phương. Gần đây, việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, tạo sức ép lên 75 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đề nghị đàm phán với Mỹ.
Sự khác biệt trong phản ứng của các quốc gia phản ánh rất rõ hiệu quả có điều kiện của chiến thuật đe dọa. Các nước đồng minh dù không hài lòng vẫn chọn con đường nhượng bộ có tính toán, vì họ cần giữ mối quan hệ chiến lược và tránh rủi ro kinh tế lớn từ một cuộc chiến thương mại toàn diện với Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và với mục tiêu duy trì quyền tự chủ trong chiến lược phát triển dài hạn, không sẵn sàng chấp nhận áp lực kiểu đó. Việc Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ cho thấy đe dọa không thể hiệu quả nếu đối phương đủ mạnh và đủ kiên quyết để chịu đựng.
Chiến thuật đe dọa bằng thuế quan của Trump tạo ra sức ép tức thì, buộc các nước phải phản ứng nhanh; nó tận dụng được quy mô thị trường khổng lồ của Mỹ như một đòn bẩy thương lượng; và nó giúp chính quyền Mỹ phá vỡ trạng thái đàm phán bất lợi tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ là bên đầu tiên gánh hậu quả từ việc chi phí nhập khẩu tăng cao. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, gây thiệt hại cho cả hai phía. Về mặt ngoại giao, chiến lược này khiến nhiều nước đồng minh mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, làm suy yếu các liên minh vốn đã ổn định suốt nhiều thập kỷ. Và quan trọng nhất, nó tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc sử dụng công cụ thuế như một hình thức cưỡng ép, điều mà nếu các quốc gia khác bắt chước, có thể đẩy hệ thống thương mại quốc tế vào một vòng xoáy bảo hộ bất tận.
Rốt cuộc, đe dọa là một công cụ đàm phán, không phải là chiến lược lâu dài. Nó có thể giúp tạo ưu thế trong ngắn hạn, nhưng nếu lạm dụng hoặc áp dụng không đúng đối tượng, nó dễ trở thành nguyên nhân của xung đột và đổ vỡ. Trong một thế giới mà lợi ích kinh tế và địa chính trị ngày càng đan xen, thành công trong đàm phán không chỉ nằm ở việc gây áp lực, mà còn ở khả năng kiến tạo sự đồng thuận, thứ mà sức mạnh đơn thuần không thể mua được.