TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Tóm tắt: Chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Báo cáo này phân tích tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, cung cấp khung hướng dẫn và các hoạt động cụ thể để doanh nghiệp áp dụng. Chuyển đổi xanh không chỉ là áp dụng công nghệ xanh mà còn là một quá trình thay đổi toàn diện bao gồm chiến lược, mô hình kinh doanh, văn hóa và hoạt động của doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp chuyển đổi sẽ giảm chi phí, tăng doanh thu, tạo lợi thế cạnh tranh và bảo vệ hành tinh. Để thực hiện chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược bao gồm đánh giá hiện trạng, xác định mục tiêu SMART, phát triển các chiến lược cụ thể và đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan. Các hoạt động chuyển đổi xanh bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên hiệu quả, sản xuất xanh, phát triển sản phẩm và dịch vụ xanh, đầu tư vào R&D. Để đánh giá mức độ chuyển đổi xanh cần các chỉ tiêu đánh giá về môi trường, xã hội, kinh tế và quản trị.
Từ khóa: Chuyển đổi xanh, chiến lược chuyển đổi xanh, chỉ tiêu đánh giá chuyển đổi xanh.
Nguồn trích dẫn: Huỳnh Thanh Điền. (2024). Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp. Đăng tải tại: http://huynhthanhdien.com/chuyen-de/chuyen-doi-xanh-trong-doanh-nghiep.html
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức về môi trường ngày càng cấp bách, chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Báo cáo này cung cấp một khung tham khảo toàn diện về chuyển đổi xanh, bao gồm định nghĩa, tầm quan trọng, các bước thực hiện và những lợi ích mang lại.
Bằng cách phân tích các xu hướng mới nhất, các nghiên cứu khoa học và các ví dụ thực tế, bài viết này hệ thống kiến thức cần thiết để bắt đầu hành trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp. Từ việc xây dựng chiến lược đến việc áp dụng các hoạt động cụ thể, bài viết cung cấp một lộ trình chi tiết để doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, giảm tác động môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho tương lai.
Báo cáo này được xây dựng chủ yếu tổng hợp các nghiên cứu phù hợp liên quan đến chủ đề chuyển đổi xanh. Tư liệu chủ yếu từ các báo cáo, nghiên cứu, bài báo khoa học và tài liệu từ các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, OECD, IPCC, WBCSD, và các tổ chức phi chính phủ như WWF, Greenpeace. Từ đó, hệ thống khung tham khảo về chuyển đổi xanh, bao gồm định nghĩa, tầm quan trọng, các bước thực hiện và những lợi ích mang lại. Báo cáo cũng cung cấp các khuyến nghị cụ thể cho doanh nghiệp về cách thức áp dụng chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.
CHUYỂN ĐỔI XANH: MỘT XU HƯỚNG KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC
Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là một khái niệm ngày càng được quan tâm. Nó không chỉ đơn thuần là áp dụng các công nghệ xanh, mà còn là một quá trình thay đổi toàn diện, bao gồm chiến lược, mô hình kinh doanh, văn hóa và hoạt động của doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững. Chuyển đổi xanh là một quá trình tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đồng thời giảm tác động tiêu cực lên môi trường (OECD, 2009). Theo WBCSD (2010), chuyển đổi xanh là sự tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững vào các hoạt động kinh doanh, bao gồm việc giảm tác động môi trường, thúc đẩy sự công bằng xã hội và tạo ra giá trị kinh tế dài hạn.
Lộ trình chuyển đổi xanh thực hiện theo 3 cấp độ: Cấp độ 1- Mô hình tuyến tính với các hành đồng thay thế các nguyên liệu và công nghệ ô nhiễm bằng các giải pháp xanh hơn trong chuỗi giá trị hiện có. Cấp độ 2- Mô hình tuần hoàn, hướng đến tái sử dụng, tái chế và khép kín chu trình sản xuất, giảm lãng phí và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Cấp độ 3- Mô hình sinh thái, triển khai đồng bộ, tạo ra các hệ sinh thái kinh doanh bền vững, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng để giải quyết các thách thức chung.
Việc thúc đẩy chuyển đổi xanh cần sự nổ lực từ chính sách của chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ giữ vai trò tạo ra chính sách và quy định thúc đẩy chuyển đổi xanh, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp xanh, đổi mới mô hình kinh doanh, hợp tác với các bên liên quan để tạo ra giá trị chung.
Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, đây là một xu hướng không thể đảo ngược, đòi hỏi sự nỗ lực của cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.
Áp lực từ chính phủ: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2015) có Hơn 190 quốc gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế thấp carbon. Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu phát triển bền vững bao gồm các mục tiêu về năng lượng sạch, sản xuất và tiêu thụ có trách nhiệm, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Yêu cầu từ người tiêu dùng: Theo Nielsen (2015) chỉ ra 73% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ có tính bền vững, tạo áp lực lên các doanh nghiệp (McKinsey & Company, 2020):
Xu hướng đầu tư: Đầu tư vào năng lượng tái tạo đã vượt qua đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch (Bloomberg New Energy Finance, 2021). Các nhà đầu tư ngày càng ưu tiên các công ty có cam kết với chuyển đổi xanh (World Economic Forum, 2020)
Lợi thế cạnh tranh: Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu suất và tạo ra lợi thế cạnh tranh (Accenture, 2019). Các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh bền vững (WBCSD, 2017).
Bảo vệ hành tinh: Chuyển đổi xanh là cần thiết để hạn chế biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh (IPCC, 2021). Chuyển đổi xanh là chìa khóa để bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên (WWF, 2020)
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHUYỂN ĐỔI XANH
Chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của chuyển đổi xanh đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.
Lợi ích đối với doanh nghiệp:
- Giảm chi phí: Chuyển đổi xanh có thể giúp các doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng, nguyên vật liệu và lãng phí, dẫn đến tăng lợi nhuận (McKinsey, 2020). Các công ty áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên hiệu quả có thể giảm chi phí hoạt động lên đến 20% (WBCSD, 2017).
- Tăng doanh thu: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có tính bền vững (Nielsen, 2015). Các doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi xanh có thể mở rộng thị trường và thu hút khách hàng mới (Accenture, 2019).
- Cạnh tranh: Nghiên cứu của Harvard Business Review (2016) cho thấy các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi xanh có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Các công ty có hiệu suất môi trường tốt hơn có xu hướng có kết quả tài chính tốt hơn (CDP, 2020).
Lợi ích xã hội:
Ngành năng lượng tái tạo tạo ra nhiều việc làm hơn ngành năng lượng hóa thạch (IRENA, 2019). Chuyển đổi xanh có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xây dựng xanh và quản lý tài nguyên (ILO, 2018). Nghiên cứu của WHO (2018) cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Chuyển đổi xanh giúp giảm ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Chuyển đổi xanh có thể giúp giảm ô nhiễm nước và đất, bảo vệ nguồn nước sạch và môi trường sống (UNEP, 2019).
Lợi ích môi trường:
Báo cáo của IPCC (2021) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính để hạn chế biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này. Nghiên cứu của IEA (2020) cho thấy chuyển đổi năng lượng là chìa khóa để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Chuyển đổi xanh giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, như rừng, nước và đất, cho các thế hệ tương lai (WWF, 2020). Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm nhu cầu khai thác tài nguyên mới (Ellen MacArthur Foundation, 2017).
CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI XANH
Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh. Đây là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh kinh doanh, môi trường và xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những bước quan trọng và các yếu tố cần xem xét để xây dựng một chiến lược chuyển đổi xanh hiệu quả. Việc xây dựng chiến lược cần thực hiện theo trình tự như sau
Đánh giá hiện trạng và xác định tầm nhìn:
McKinsey & Company (2020) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá hiện trạng tác động môi trường của doanh nghiệp, xác định điểm mạnh và điểm yếu, cũng như cơ hội và thách thức trong chuyển đổi xanh. Việc xây dựng tầm nhìn dài hạn cho chuyển đổi xanh, thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững và định hướng cho các hoạt động trong tương lai (WBCSD, 2017).
Xác định các mục tiêu SMART:
Ellen MacArthur Foundation (2015) khuyến nghị việc thiết lập các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường, khả thi, phù hợp và có thời hạn (SMART) cho chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu quả. Cần liên kết các mục tiêu chuyển đổi xanh với các mục tiêu kinh doanh chính của doanh nghiệp, đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả (CDP, 2020).
Phát triển các chiến lược và hành động cụ thể:
Cần xây dựng các chiến lược cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm sản xuất, cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ và quản lý chất thải (Accenture, 2019). Đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp xanh và hợp tác với các đối tác chiến lược (Deloitte, 2021).
Đảm bảo sự tham gia và cam kết của các bên liên quan:
GRI (2016) khuyến nghị việc tham vấn và hợp tác với các bên liên quan, bao gồm nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng và chính phủ, để đảm bảo sự ủng hộ và cam kết của tất cả các bên trong quá trình chuyển đổi xanh. Việc truyền thông và minh bạch về các nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, xây dựng niềm tin và uy tín với các bên liên quan có vai trò đặc biệt quan trọng (UN Global Compact, 2019).
Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh chiến lược:
ISO 26000 (2010) khuyến nghị việc theo dõi và đánh giá thường xuyên hiệu quả của chiến lược chuyển đổi xanh, điều chỉnh các hoạt động và mục tiêu khi cần thiết để đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả. Việc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác giữa các doanh nghiệp (SustainAbility, 2018).
HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI XANH TRONG DOANH NGHIỆP
Chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động thay đổi toàn diện, từ sản xuất đến quản lý, nhằm giảm tác động môi trường và tạo ra giá trị bền vững. Dưới đây là một số hoạt động chuyển đổi xanh được các nghiên cứu đề cập:
Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng:
Việc chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính (IRENA, 2019). Các biện pháp tiết kiệm năng lượng như nâng cấp hệ thống chiếu sáng, cách nhiệt tòa nhà và tối ưu hóa quá trình sản xuất (McKinsey & Company, 2020).
Quản lý tài nguyên và giảm lãng phí:
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng và tái chế tài nguyên, giảm lãng phí và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên (Ellen MacArthur Foundation, 2017). Cần áp dụng các công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến để theo dõi và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí và phát thải (WBCSD, 2010).
Sản xuất xanh và chuỗi cung ứng bền vững:
Cần áp dụng các công nghệ xanh trong sản xuất, như in 3D, sản xuất bổ sung và tự động hóa, để giảm tác động môi trường và tăng hiệu quả (Accenture, 2019). Việc hợp tác với các nhà cung cấp để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội được tuân thủ trong toàn bộ chuỗi giá trị (CDP, 2020).
Sản phẩm và dịch vụ xanh:
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có tính bền vững (Nielsen, 2015). Việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ xanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội (SustainAbility, 2018).
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển:
OECD (2009) nhấn mạnh vai trò của đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh và giải pháp cho các thách thức môi trường. Việc tạo ra các chính sách và cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào R&D xanh (World Bank, 2018)
Các hoạt động chuyển đổi xanh đa dạng và đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ doanh nghiệp. Việc áp dụng các giải pháp và công nghệ xanh, tối ưu hóa các quá trình hoạt động, hợp tác với các bên liên quan và đầu tư vào R&D là những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành công và tạo ra giá trị bền vững.
CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CHUYỂN ĐỔI XANH
Đánh giá mức độ chuyển đổi xanh của doanh nghiệp là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của các chỉ tiêu định lượng và định tính. Dưới đây là một số chỉ tiêu thường được sử dụng, được trích dẫn từ các nguồn uy tín:
Chỉ tiêu môi trường:
- Phát thải khí nhà kính: Giảm lượng phát thải CO2 và các khí nhà kính khác là mục tiêu chính của nhiều doanh nghiệp. Theo báo cáo của CDP (2020), các công ty có mục tiêu giảm phát thải rõ ràng thường có hiệu suất tài chính tốt hơn.
- Tiêu thụ năng lượng: Giảm lượng tiêu thụ năng lượng, chuyển sang năng lượng tái tạo là xu hướng phổ biến. IRENA (2019) cho thấy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí năng lượng và tăng tính cạnh tranh.
- Tiêu thụ nước: Quản lý nước hiệu quả là yếu tố quan trọng. WBCSD (2017) khuyến nghị các doanh nghiệp thiết lập mục tiêu cụ thể về việc giảm tiêu thụ nước và tái sử dụng nước.
Chỉ tiêu xã hội:
- An toàn lao động: Tỷ lệ tai nạn lao động, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh là những chỉ tiêu quan trọng được đề cập trong báo cáo của ILO (2018).
- Đa dạng và hòa nhập: Tỷ lệ nhân viên nữ, người khuyết tật, các nhóm thiểu số được xem xét trong báo cáo về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chỉ tiêu kinh tế:
- Lợi nhuận: McKinsey & Company (2020) chỉ ra rằng chuyển đổi xanh có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.
- Giá trị thị trường: Các công ty có cam kết với chuyển đổi xanh thường có giá trị thị trường cao hơn, theo nghiên cứu của SustainAbility (2018).
Chỉ tiêu quản trị:
- Chính sách và chiến lược: Có chính sách và chiến lược chuyển đổi xanh rõ ràng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công.
- Sự tham gia của lãnh đạo: Lãnh đạo cam kết và thúc đẩy chuyển đổi xanh là yếu tố quan trọng được đề cập trong báo cáo của Accenture (2019).
Chỉ tiêu khác:
- Chứng nhận và giải thưởng: Nhận được các chứng nhận và giải thưởng về tính bền vững là minh chứng cho sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Việc đánh giá chuyển đổi xanh cần sử dụng hệ thống chỉ tiêu đa dạng và phù hợp với từng ngành nghề và từng doanh nghiệp.
KẾT LUẬN
Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là một nhu cầu cấp thiết cho sự tồn vong của hành tinh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bài viết đã hệ thống các xu hướng mới nhất, phân tích các nghiên cứu khoa học và các ví dụ thực tế, cung cấp cho doanh nghiệp những kiến thức và công cụ cần thiết để bắt đầu hành trình chuyển đổi xanh của mình. Từ việc xây dựng chiến lược, áp dụng các hoạt động cụ thể, hợp tác với các bên liên quan và đo lường hiệu quả, doanh nghiệp có thể biến đổi thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Chuyển đổi xanh là một hành trình liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan với sự hợp tác, đổi mới và cam kết tạo ra một tương lai bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Accenture. (2019). Profitable Sustainability: How Leading Companies Are Creating Value.
- Bloomberg New Energy Finance. (2021). Global Trends in Renewable Energy Investment.
- CDP. (2020). CDP Global Report 2020.
- Deloitte. (2021). Sustainability Reporting: Trends and Insights.
- Ellen MacArthur Foundation. (2015). Towards the Circular Economy: Economic and business rationale for an accelerated transition.
- Ellen MacArthur Foundation. (2017). Towards the Circular Economy: Economic and business rationale for an accelerated transition.
- Global Reporting Initiative (GRI). (2016). GRI Standards.
- Harvard Business Review. (2016). The Sustainability Advantage.
- Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC). (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis.
- International Energy Agency (IEA). (2020). World Energy Outlook 2020.
- International Labour Organization (ILO). (2018). World Employment and Social Outlook: Greening with Jobs.
- International Organization for Standardization (ISO). (2010). ISO 26000: Guidance on social responsibility.
- International Renewable Energy Agency (IRENA). (2019). Renewable Energy and Jobs: Annual Review 2019.
- McKinsey & Company. (2020). Climate risk and response: Physical risks and opportunities.
- McKinsey & Company. (2020). Climate risk and response: Physical risks and opportunities.
- Nielsen. (2015). The Sustainability Imperative: New Insights on Consumer Expectations.
- OECD. (2009). The Economics of Climate Change Mitigation.
- SustainAbility. (2018). The Sustainability Yearbook 2018.
- UN Global Compact. (2019). The Ten Principles.
- UNFCCC. (2015). Paris Agreement.
- United Nations Environment Programme (UNEP). (2019). Global Environment Outlook 6: Healthy Planet, Healthy People.
- United Nations. (2015). Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development.
- WBCSD. (2010). Vision 2050: The New Agenda for Business.
- World Bank. (2018). World Development Report 2018: Learning to Realize Education's Promise.
- World Business Council for Sustainable Development (WBCSD). (2010). Vision 2050: The New Agenda for Business.
- World Business Council for Sustainable Development (WBCSD). (2017). The Business Case for Sustainable Development.
- World Economic Forum. (2020). The Global Risks Report 2020.
- World Health Organization (WHO). (2018). Ambient (outdoor) air quality and health.
- World Wide Fund for Nature (WWF). (2020). Living Planet Report 2020.