(CLO) Đảm bảo nguyên tắc 5K, tăng cường kiểm soát dịch tại nguồn, nâng cao ý thức cho người dân... là những điều kiện mà chuyên gia cho rằng TP. HCM phải đáp ứng được trong giai đoạn "bình thường mới".
Sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp ngày càng siết chặt, người dân trông chờ TP. HCM sẽ không tiếp tục “lỗi hẹn” mà sẽ nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10 tới.
TS Huỳnh Thanh Điền (giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành) đưa ra ý kiến: “Nếu không mở cửa lại, dịch cũng sẽ không hết”. Thay vì mục tiêu “Zero Covid”, chúng ta cần nhanh chóng chuyển sang sống chung, thích ứng với dịch bệnh.
“Sau thời gian giãn cách, rất nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động dẫn đến việc nhiều người không có việc làm. Dù đã xin các gói cứu trợ của chính phủ, triển khai rất nhiều nhưng thực tế thành phố không lo được cho tất cả, dẫn đến gánh nặng xã hội đang tạo áp lực rất lớn. Nếu tiếp tục kéo dài nữa thì những vấn đề xã hội phát sinh, thành phố không thể giải quyết được”, ông Điền nêu.
Việc ngưng hoạt động quá lâu khiến doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi. Ngoài ra, thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi, nhiều đơn hàng quốc tế tại Việt Nam đã chuyển sang nước khác.
"Đơn giản thôi, đừng phức tạp quá"
Nhận định việc chuyển đổi trạng thái là vấn đề cấp bách để cứu vãn nền kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền chỉ ra các điều kiện cần đảm bảo trong giai đoạn "bình thường mới".
Đầu tiên, người dân phải tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. "Đơn giản thôi, đừng phức tạp quá. Hiện nay đang có thêm một số quy định, nhưng nếu nhiều và dày quá thì doanh nghiệp không thể thực hiện được", ông Điền nêu.
Tiếp đó, thay vì lập các chốt kiểm dịch, ông Điền cho rằng cần tăng cường kiểm soát tại nguồn. "Người dân di chuyển từ nhà tới cơ quan thì phải làm sao cho cơ quan an toàn, ở nhà cũng an toàn. Còn đối với siêu thị, khách hàng vô phải có thẻ xanh... Không cần kiểm soát tại các trạm giao thông vì tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm khi tập trung nhiều người", giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM phân tích.
Đồng thời, toàn bộ thủ tục hành chính nên chuyển đổi sang công nghệ số để hạn chế lây nhiễm.
Đối với vấn đề xét nghiệm, ông Điền đánh giá hiện nay đang tốn quá nhiều chi phí. Theo ông, chỉ nên tổ chức xét nghiệm ở những nơi có tiếp xúc đông người, nguy cơ lây nhiễm cao hoặc những người có triệu chứng.
"Cứ 1, 2 ngày lại xét nghiệm sẽ khiến doanh nghiệp không chịu nổi chi phí. Chỉ xét nghiệm những người có nguy cơ, có tiếp xúc hoặc có triệu chứng. Còn đối với công nhân chỉ ở yên trong công xưởng thì không cần thiết. Không những thế, việc này còn mất thời gian, ảnh hưởng đến năng suất lao động của doanh nghiệp", ông Điền nói.
Điều quan trọng nhất theo ông trong giai đoạn "bình thường mới" là phải nâng cao ý thức cho người dân. Phải giúp người dân hiểu về Covid-19, cách phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe ra sao...
"Chính người dân là người sợ bệnh nhất, chúng ta phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân thật tốt. Người dân sẽ tự phòng, tự điều trị, khi nào bệnh nặng thì có lực lượng y tế lưu động ứng cứu kịp thời. Toàn bộ lực lượng chống dịch nên lập ra trạm kiểm soát, y tế lưu động để linh động hỗ trợ người dân", TS Huỳnh Thanh Điền chỉ ra.
"Doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của Nhà nước"
Trước những thiệt hại nặng nề trong giai đoạn qua cùng những thách thức phía trước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng mong mỏi chính quyền TP. HCM, chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các giải pháp thiết thực.
Cụ thể, ông Dũng mong rằng Nhà nước tạo điều kiện để các công ty tiếp cận nguồn vốn mới với chi phí vay thấp nhất. Bởi hiện nay, phần lớn tài sản của các doanh nghiệp đã "cắm" tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, các doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của chính quyền trong việc hỗ trợ người lao động đã về quê trở lại TP. HCM làm việc, cũng như tiêm vaccine cho họ.
Song song đó, lãnh đạo HUBA còn trông chờ sự hỗ trợ của thành phố trong việc đào tạo doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để thích ứng với tình hình mới.
Ngoài ra, việc lưu thông toàn quốc phải được khai thông toàn diện, không được để mỗi nơi một hình thức như thời gian qua.
“Trong giai đoạn này, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của Nhà nước như giảm giá điện, giá nước, chi phí cảng biển, kho bãi, hạ tầng, thu phí đường bộ… nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Bởi, ngoài chi phí sản xuất, các doanh nghiệp hiện gánh thêm các chi phí phòng chống dịch quá lớn”, ông Dũng nêu.
Kỳ Hoa
https://congluan.vn/chuyen-gia-noi-dieu-kien-de-tphcm-mo-cua-tu-1-10-don-gian-thoi-dung-phuc-tap-qua-post158733.html