CƠ CẤU LẠI BỘ MÁY QUẢN TRỊ NHÀ NƯỚC

Date: - View: 1177 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập theo hệ thống phân cấp quản lý nhà nước, chứ không theo nhu cầu xã hội và tín hiệu của thị trường. Dẫn đến hiệu quả hoạt động kém, tạo gánh nặng cho ngân sách và giảm tính sáng tạo của đội ngũ.

Trong nhiều lĩnh vực thuộc sở hữu nhà nước, đặc biệt là các đơn vị có thu như y tế, giáo dục, ngân hàng,…rất nhiều tổ chức được thành lập theo phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chẳng hạn như các trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề được thành lập theo hệ thống tỉnh/thành, quận/huyện giống nhau ở hầu hết các tỉnh không quan tâm đến nhu cầu học nghề ở địa phương có hay không, nhiều hay ít.

Tương tự, các bệnh viện cũng được phân chia theo tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã đều giống nhau ở các tỉnh/thành để phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Mặc dù ở các thành phố lớn có rất nhiều bệnh viện với chất lượng khám chữa bệnh rất tốt, nhưng vẫn tồn tại bệnh viện tuyến quận, trạm y tế thuộc phường. Rất nhiều bệnh viện/ trạm y tế thuộc phường vắng bóng bệnh nhân vì chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế, còn những bệnh viện chất lượng tốt vẫn quá tải bệnh nhân.

Việc thành lập các tổ chức theo hệ thống quản lý nhà nước không theo nhu cầu xã hội và tín hiệu thị trường sẽ dẫn đến phân phối nguồn lực không hiệu quả, gây lãng phí. Thay vì nguồn ngân sách, nhân lực  tập trung vào các tổ chức có nhu cầu lớn thì phải dàn trải ở những nơi không có nhu cầu.  Đội ngũ nhân lực phân bổ đến những nơi nhu cầu thấp sẽ không có điều kiện thực hành nghề nghiệp, lâu ngày sẽ trở lạc hậu. Khi tổ chức được thành lập, dù không hoạt động nhiều thì cũng phải dành ngân sách để duy trì hoạt động thường xuyên (đầu tư cải tạo, sửa chữa, trả lương) nên ngày càng tạo nên gánh nặng cho ngân sách.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, công đoàn; các cơ quan truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, báo địa phương cũng không nhất thiết hoạt động theo hệ thống phân cấp quản lý nhà nước. Không nhất thiết tỉnh nào cũng có đài truyền hình; huyện nào cũng có đài phát thanh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn. Tuỳ vào tình hình của địa phương có thể kiện toàn lại ít đầu mối hoặc nhiều đầu mối hơn cho phù hợp với nhu cầu. Các tổ chức này hoạt động nhằm là bảo vệ lợi ích nhóm đối tượng thuộc hội đoàn của mình thì nguồn kinh phí cho hoạt động chủ yếu do họ đóng góp.

Đối với các đơn vị truyền thông cũng tương tự, không nhất thiết phải có đài truyền hình, đài phát thanh, báo của tỉnh mới có thể đảm nhận được công tác tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh. Cần giao quyền tự chủ hoạt động, tài chính toàn bộ cho các cơ quan truyền thông này. Nếu cơ quan nào tồn tại được thì sẽ giữ lại tiếp tục phát triển, ngược lại cho giải thể, sáp nhập. Khi chính quyền có nhu cầu truyền thông chính sách, thì có thể hợp đồng thuê mướn các đơn vị truyền thông uy tín để thực hiện.

Có lẽ nhiều người e ngại mất quyền kiểm soát đối với các tổ chức này hoặc các tổ chức này không còn hoạt động vì không có nguồn kinh phí. Việc này không đáng lo ngại bởi nhà nước có khuôn khổ pháp luật để điều tiết các hoạt động của cơ quan truyền thông. Tượng tự, các tổ chức đoàn thể khác nếu không mang lại ích cho đối tượng chúng đại diện, thì cũng không nên tồn tại, nếu họ mang lại lợi ích thật sự cho đối tượng đại diện thì đối tượng này sẽ chấp nhận đóng góp kinh phí để họ hoạt động.

Trong thời gian qua chúng ta đang bàn đến cải cách tiền lương, tạo động lực làm việc. Việc đầu tiên cần phải làm là thay đổi cơ chế thành lập các tổ chức không theo hệ thống phân cấp quản lý nhà nước, mà phải theo nhu cầu xã hội. Theo đó, các tổ chức đã được thành lập nhưng nhu cầu xã hội không có hoặc không lớn thì có thể giải thể hoặc sáp nhập để giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, việc sáp nhập hoặc giải thể cần tiến hành từng bước, trước hết giao tự chủ hoạt động và tự chủ tài chính, nếu tổ chức nào hoạt động tốt thì tiếp tục, ngược lại sẽ giải thể.

Ngân sách chi thường xuyên ở nước ta luôn chiếm tỷ lệ cao, bởi vì đối tượng hưởng lương ngân sách quá lớn. Việc cắt giảm đối tượng hưởng lương ngân sách cũng phù hợp với chủ trương của Đảng ta. Nguyên tắc xuyên suốt trong chi tiền lương từ nguồn ngân sách cho khối quản lý nhà nước. Các tổ chức hoạt động để phục vụ cho các nhóm người khác nhau trong xã hội phải do chính đối tượng đó chi trả. Nếu ở đâu đối tượng được phục vụ không chấp nhận chi trả cho tổ chức đại diện lợi ích của mình thì tổ chức đó cũng không nên tồn tại. Các cơ quan, đơn vị cần được sắp xếp lại theo nhu cầu xã hội sẽ góp phần giúp tối ưu hoá trong sử dụng nguồn ngân sách và nguồn nhân lực. 

LIÊN KẾT
FANPAGE