Hà Nội và TPHCM đang đón một lượng cư dân rất lớn từ các tỉnh, thành khác về sinh sống, làm việc, học tập. Đường sá ở 2 nơi này thường xuyên kẹt cứng, cùng với đó là các áp lực gia tăng lên trường học, bệnh viện…
Có thể thấy, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều gặp phải tình trạng di cư trong quá trình công nghiệp hóa. Di dân đến các địa phương có sự tập trung doanh nghiệp cao, kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, hội tụ nhiều trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện… là một xu hướng. Các nước xử trí bằng cách xây dựng các địa phương vệ tinh chia thành nhiều cấp, để thực hiện giãn dân về các vùng vệ tinh.
Công nghiệp hóa ở Việt Nam được thực hiện rải đều ở các địa phương. Từng tỉnh, thành đua nhau xây dựng bến cảng, sân bay, khu công nghiệp, giao thông nội bộ của tỉnh mà ít chú trọng đến sự liên kết giữa các địa phương.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn quy tụ về các thành phố trung tâm công nghiệp hóa sớm, làn người di cư cũng đổ về đó; còn các địa phương khác, mặc dù quy hoạch được các khu công nghiệp nhưng vắng như cảnh chợ chiều.
Cư dân từ các tỉnh đổ dồn về TPHCM gây áp lực cho hạ tầng đô thị. Ảnh: QUANG KHOA
Nhiều địa phương lấy đất của dân để quy hoạch các khu công nghiệp nhưng “treo” suốt nhiều năm, không thu hút được doanh nghiệp. Lấy đất nông nghiệp, quy hoạch làm công nghiệp, nhưng không thể thu hút doanh nghiệp, không tạo ra được việc làm tại chỗ nên càng thúc đẩy quá trình di cư ngày càng lớn.
Công nghiệp hóa theo kiểu quy hoạch dàn trải, thiếu tính liên kết giữa các địa phương là khác biệt cơ bản nhất ở Việt Nam so với các nước, vì vậy việc giãn dân khó thực hiện sau nhiều năm công nghiệp hóa.
Vòng lẩn quẩn của di cư là: không có việc làm tại địa phương nên di cư đến nơi khác, từ đó tạo ra thiếu hụt lao động cho địa phương, dẫn đến khó quy hoạch các dự án thu hút doanh nghiệp tham gia tại địa phương, theo đó tiếp tục thiếu việc làm và tiếp tục thúc đẩy dòng di cư. Nếu bài toán giãn dân không được giải quyết sớm, chẳng những tạo áp lực cho các thành phố lớn, mà ngay cả các địa phương cũng khó phát triển kinh tế.
Vấn đề di cư cần được xác định là đối tượng cần điều chỉnh trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định số lượng dân di cư đến các địa phương theo từng giai đoạn, giai đoạn nào chấp nhận tập trung dân cư về các trung tâm, giai đoạn nào cần phải đặt trọng tâm vào giãn dân.
Để người dân không tập trung về các đô thị lớn, trước hết cần thực hiện phát triển kinh tế theo quy hoạch các vùng, với việc xác định rõ địa phương hạt nhân (TPHCM, Hà Nội) chỉ đảm nhận phân khúc nghiên cứu, thiết kế và phân phối; các địa phương vệ tinh thực hiện chức năng cung ứng đầu vào, sản xuất.
Theo đó, những địa phương vệ tinh sẽ sử dụng nhiều lao động hơn, còn đối với các địa phương hạt nhân ít sử dụng lao động hơn (chủ yếu là sử dụng lao động chất lượng cao). Thực hiện đúng quy hoạch đó trong phát triển kinh tế - xã hội thì quá trình giãn dân tự khắc sẽ diễn ra, dòng di cư tự khắc được định lại.
Người dân ly hương không chỉ bởi sự hấp dẫn của các đô thị lớn, mà vì người ta không có việc làm trên chính quê hương của mình hoặc không có môi trường làm việc phù hợp (đối với lao động trình độ cao).
Để giảm bớt dòng người xuất cư, các vùng nông thôn làm nông nghiệp nên đẩy mạnh các mô hình sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã với tổ chức vận hành chuyên nghiệp và ổn định để thực hiện tốt chức năng cung ứng đầu vào cho các nhà máy chế biến tại các vùng vệ tinh. Theo đó, lao động sẽ có việc làm tại chỗ nên sẽ ở lại quê hương, giảm áp lực di dân đến các thành phố lớn.
Đồng thời chú trọng chính sách đẩy mạnh khởi nghiệp ở các vùng nông thôn trong các lĩnh vực địa phương có thể. Việc này góp phần tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, sẽ tác động tích cực vào quá trình giãn dân, hạn chế di dân.
Muốn làm được như vậy, Trung ương cần phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc thực thi chính sách trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp trợ giúp khởi nghiệp đến từng làng, xã bằng những chương trình cụ thể.
Để thực hiện thành công định hướng đó, cần xác định các dịch vụ hỗ trợ như trường học, giao thông, hạ tầng thông tin, bệnh viện… thích hợp cho mỗi vùng. Nhất là nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học địa phương để sinh viên giảm sự tập trung về học ở thành phố lớn.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ chẳng hạn, có những trường đại học nổi tiếng không đặt ở các thành phố lớn và chúng ta có thể tham khảo mô hình của họ.