Huỳnh Thanh Điền
Kinh tế toàn cầu phục hồi sau thời gian suy giảm. Lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư. Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ với xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng, đồng thời dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quay trở lại, phản ánh niềm tin đầu tư được phục hồi.
Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình thế giới. Từ năm 2012, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại, đến năm 2024 tiếp tục cải thiện. Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên mang lại nhiều triển vọng.
Tình hình kinh tế toàn cầu biến động mạnh khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ với chính sách “Nước Mỹ Trước Tiên”. Chính quyền Mỹ áp dụng hàng loạt biện pháp bảo hộ thương mại như tăng thuế nhập khẩu 10-20% với hầu hết hàng hóa, đặc biệt 60% đối với Trung Quốc. Các chính sách kiểm soát nhập cư và trục xuất lao động bất hợp pháp được thực hiện mạnh mẽ. Chính quyền Mỹ cũng bãi bỏ quy định miễn thuế cho hàng hóa giá trị thấp, gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Phản ứng trước chính sách này, Trung Quốc, EU, Mexico, Canada đồng loạt áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ. EU tăng viện trợ cho Ukraine để đối đầu với Nga, trong khi Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc.
Ngành dệt may Việt Nam chịu tác động lớn từ biến động thương mại. Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm từ 17% năm 2015 xuống còn 10% năm 2024. Trong khi đó, Việt Nam và Bangladesh đang gia tăng thị phần, cạnh tranh với Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam gồm Mỹ (42%), EU (13%), Nhật Bản (9,5%), Trung Quốc (7,5%), Hàn Quốc (7%) và ASEAN (5,5%). Nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, VJEPA, Việt Nam hưởng mức thuế nhập khẩu thấp tại nhiều thị trường. Ví dụ, thuế nhập khẩu dệt may từ Việt Nam vào EU chỉ còn 0-5%, trong khi từ Trung Quốc là 12%. Tại Nhật Bản, thuế suất nhập khẩu từ Việt Nam là 0%, thấp hơn Trung Quốc (8-10%). Ở Canada, mức thuế nhập khẩu từ Việt Nam là 0% nhờ CPTPP, trong khi Trung Quốc chịu thuế 16%. Điều này giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn hơn.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng, nhưng thuế suất trung bình với hàng dệt may Việt Nam khoảng 9-12%, thấp hơn Trung Quốc (25%). Nhờ vậy, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn đối mặt với nhiều thách thức như phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Mexico, Indonesia và rủi ro từ biến động địa chính trị.
Để tận dụng cơ hội, ngành dệt may Việt Nam cần hợp tác với Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu. Doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ, tự động hóa để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng thị trường sang Canada, Anh, Úc, Trung Đông và Ấn Độ sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động.
Báo cáo tại Hội AGTEK, ngày 5/3/2025