Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Tạo động lực tăng trưởng cho vùng, "cởi trói" cho doanh nghiệp

Date: - View: 688 - By:
Theo tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, việc “lệch pha” trong chiến lược "zero COVID-19" khi thế giới đã chuyển sang thích ứng để phục hồi khiến kinh tế Việt Nam trong quý 3 năm 2021 suy giảm nghiêm trọng..
Xuân Anh-Xuân Khu-Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)  
 
 

 

Ngày 5/12, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu, chuyên gia và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" của Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 cũng như đề xuất nhiều giải pháp cụ thể trong việc khôi phục và phát triển kinh tế thời gian tới.

Trao đổi bên lề Diễn đàn, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Diễn đàn được tổ chức là cơ hội, điều kiện để các đại biểu lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức tài chính trong các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế, thể chế, gói hỗ trợ phục hồi - phát triển kinh tế dự kiến sẽ được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội tới.

Ông Trần Hoàng Ngân nhận định: Đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức nặng nề, nghiêm trọng đến toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trên nhiều mặt, cả kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng con người. Về kinh tế, dịch COVID-19 đã gây ra tổn thất chưa từng có, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đặt mức bình quân 7% năm (2018 -2019) giảm xuống 2,91% trong năm 2020 và năm 2021 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 2%. Nhưng nặng nề nhất là dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của người dân Việt Nam với con số tử vong hàng chục nghìn người, trong đó 70% là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Diễn biến của dịch vẫn sẽ tiếp tục phức tạp, khi trong tuần qua, số ca nhiễm tiếp tục tăng, đặc biệt là số ca tử vong vẫn cao, đe dọa đến khả năng phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian tới. Chính vì vậy, rất cần gói hỗ trợ phục hồi - phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ vấn đề y tế, do đó gói hỗ trợ phục hồi - phát triển mới phải đủ lớn để nâng cao được năng lực y tế từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vaccine, thuốc điều trị... và cả cơ chế tài chính, thu nhập của lực lượng y bác sỹ phục vụ tuyến đầu. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phải đủ rộng để tất cả các đối tượng yếu thế, người bị ảnh hưởng đều tiếp cận được.

Đối với kinh tế, Nhà nước cần gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều đối tượng được thụ hưởng như giao thông, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, kinh tế số và có tác động dài hạn như các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, không có nghĩa là đầu tư dàn trải mà phải chú ý đến động lực tăng trưởng. Đông Nam Bộ vốn chiếm tới 40% tổng thu ngân sách, riêng Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 27% lại chính là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần có gói hỗ trợ để khôi phục lại động lực tăng trưởng. Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường Vành đai 3 kết nối Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực tăng trưởng cho vùng, khôi phục sự đứt gãy chuỗi hàng hóa, giảm chi phí logistics.

 

Ngoài ra, cần tính đến gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi "cơn bão COVID-19" như hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn, về bảo lãnh tín dụng, giúp hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ đến các "vườn ươm" sáng tạo, khởi nghiệp để tạo nên đà phát triển toàn diện hơn cho đời sống kinh tế.

Trao đổi về các nội dung liên quan đến chủ đề của diễn đàn, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích: Năm 2021, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng kinh tế so với năm 2020. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại các tỉnh thành phía Nam mà Thành phố Hồ Chí Minh là "điểm nóng" nhất đã "vô hiệu hóa" hầu hết các cơ hội tăng trưởng mà doanh nghiệp đang có.

Việc bắt buộc phải áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt như cách ly tập trung, phong tỏa vùng đỏ, chốt chặn bảo vệ vùng xanh... gây nhiều khó khăn cho sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nước. Các nguồn lực của doanh nghiệp bị đóng băng, không thể lưu thông, thậm chí bị bào mòn do chi phí cố định vẫn phải chi, thậm chí tăng thêm để đáp ứng quy định phòng, chống dịch trong khi doanh thu giảm mạnh hoặc bằng không. Những doanh nghiệp có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì rủi ro càng cao.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, việc "lệch pha" trong chiến lược "Zero COVID-19" khi thế giới đã chuyển sang thích ứng để phục hồi khiến kinh tế Việt Nam trong quý III/2021 suy giảm nghiêm trọng chưa từng có. Rất may, Chính phủ và các Bộ, ngành đã điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch COVID-19 theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Ngay khi được "cởi trói", các doanh nghiệp đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa trong nước cũng như tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm. Nhờ đó, kinh tế quý IV/2021 sẽ khởi sắc và bù đắp phần nào những tổn thất trước đó.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, việc khôi phục kinh tế phụ thuộc vào chính sách ứng phó với dịch bệnh. Khi Nhà nước đã xác định thích ứng, chung sống an toàn, tạo điều kiện để các nguồn lực, dòng vốn của doanh nghiệp được lưu thông thì kinh tế sẽ nhanh chóng phát triển theo quy luật thị trường. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn thời gian qua đã đi đúng hướng và từng bước phát huy được hiệu quả. Điển hình như chính sách giãn nợ, khoanh nợ, không để doanh nghiệp rơi vào nhóm "nợ xấu"; hỗ trợ về chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào áp lực về tài chính.

Về chiến lược phục hồi và phát triển bền vững kinh tế thời gian tới, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền khuyến nghị cần đẩy mạnh đầu tư công bởi việc thực hiện các dự án đầu tư công sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các gói thầu phụ. Đầu tư công cũng kích cầu, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào các lĩnh vực khác, thúc đẩy chi tiêu của xã hội.

Song song đó, Nhà nước cần mở rộng nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp tiếp cận phục vụ sản xuất. Tuy nhiên cần có giải pháp để hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất thay vì đầu tư chứng khoán hay bất động sản dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tăng trưởng nóng nhưng không tạo ra hàng hóa cho xã hội. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo môi trường cho kinh tế khôi phục, cần tiếp tục phủ nhanh vaccine cho toàn bộ người dân, duy trì và phát huy hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân của hệ thống y tế lưu động để giảm số ca tử vong xuống mức tối thiểu; nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân để có thể sống chung an toàn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố cơ bản phục hồi khá tốt. Riêng các doanh nghiệp trong ngành cơ khí - điện đã phục hồi trên 90% công suất hoạt động; thậm chí, có doanh nghiệp đạt trên 100% để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của khách hàng trong dịp cuối năm. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua cũng đã phần nào trợ giúp các doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn, nhưng thực sự vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

"Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hiện nay có rất nhiều rồi, vấn đề nằm ở chỗ hiệu quả thực thi chính sách. Doanh nghiệp mong muốn thời gian tới các Bộ, ngành liên quan có giải pháp hiệu quả hơn trong việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ hơn, phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp", ông Đỗ Phước Tống chia sẻ.

TTXVN

 

 

LIÊN KẾT
FANPAGE