Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh xu hướng "góp gạo thổi cơm chung"

Date: - View: 12 - By:

Trải qua cơn bạo bệnh giai đoạn 2022 - 2023, không ít doanh nghiệp bất động sản đã trở nên suy yếu từ nguồn lực tài chính đến bộ máy nhân sự. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng "góp gạo thổi cơm chung", nhằm hợp tác và bổ trợ cho nhau.

Nhiều thương vụ hợp tác trong năm 2024

Những yếu tố bất định vẫn có nguy cơ xảy ra cùng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, việc phát triển các dự án, đặc biệt là những dự án quy mô lớn thực sự quá sức với nhiều doanh nghiệp. Do vậy, thay vì phát triển một cách độc lập, hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hiện nay là tìm kiếm các doanh nghiệp có cùng tham vọng, cùng chí hướng để cùng nhau phát triển.

Mới đây nhất là sự kiện bắt tay đáng chú ý của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc với Tập đoàn Trump (Mỹ) về việc phát triển dự án khách sạn, sân golf và khu dân cư tại Hưng Yên. Ước tính quy mô dự án khoảng 1,5 tỷ USD, được xác định là một trong những dự án bất động sản lớn nhất trên địa bàn tỉnh này tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đó không lâu, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng đưa ra thông báo hợp tác với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ - "ông trùm" bất động sản khu công nghiệp, để cùng làm các dự án bất động sản khu công nghiệp có quy mô rộng hơn 5.000ha tại nhiều địa phương.

Theo phía Phát Đạt, doanh nghiệp có quỹ đất, nhưng thiếu kinh nghiệm và tài chính để phát triển các dự án này. Chính vì vậy, việc bắt tay với Thanh Bình Phú Mỹ là lựa chọn tốt nhất.

Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh xu hướng

Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ trong phát triển dự án. (Ảnh: Phát Đạt)

Tương tự, Tập đoàn Hoàng Quân - một doanh nghiệp bất động sản chuyên về nhà ở xã hội và Tập đoàn Novaland - một doanh nghiệp chuyên nhà ở cao cấp đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng dự án nhà ở xã hội hồi giữa năm 2024.

Theo đó, hai bên sẽ kết hợp thế mạnh của nhau, trong đó Tập đoàn Hoàng Quân sẽ đóng góp những dự án sẵn có, Novaland sẽ đóng góp quỹ đất, nguồn lực tài chính. Các dự án sẽ được triển khai tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Trong năm 2024, hai bên dự kiến hoàn thành bàn giao khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội.

Bên cạnh những thương vụ hợp tác thành công, trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác phù hợp để nhằm "góp gạo thổi cơm chung". Đơn cử như Tập đoàn Danh Khôi hồi giữa năm đã phát đi thông báo tìm đơn vị hợp tác phát triển dự án bất động sản tại TP. Thuận An (Bình Dương). Theo thông tin từ Danh Khôi, dự án kêu gọi doanh nghiệp hợp tác là chung cư cao tầng Thuận An Square One, hiện đã có pháp lý như chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500.

Tập đoàn Quốc tế Năm Sao cũng phát đi thông báo tìm kiếm doanh nghiệp có kinh nghiệm để cùng phát triển và bán hàng tại Dự án Thành phố sinh thái 5 sao - Five Star Eco City (Long An). Theo thông tin từ Tập đoàn, dự án này có tổng diện tích 650ha, sẽ triển khai mở bán thành phần dự án vào quý I/2025. Do doanh nghiệp chủ yếu là chủ đầu tư phát triển, không có kinh nghiệm trong việc triển khai bán hàng và cũng cần dòng vốn để phát triển hạ tầng, nên muốn tìm đối tác để thực hiện điều này.

Một doanh nghiệp địa ốc khác là Khải Hoàn Land cũng đang tìm kiếm đối tác có quỹ đất, có dự án, nhưng không có kinh nghiệm để có thể hợp tác. Hiện Khải Hoàn Land đã đàm phán với khá nhiều doanh nghiệp có dự án tại Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên, quá trình thương thảo hợp tác sẽ kéo dài, bởi việc đàm phán dòng vốn, cổ phần, lợi nhuận, pháp lý các dự án… là vấn đề khó khăn nhất của các cuộc hợp tác.

Có thể thấy, không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng tìm kiếm cả doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển dự án. Và điều này vốn rất hiếm gặp trước đây. Bởi theo nhiều quan điểm, doanh nghiệp ngoại sẽ mang đến thương hiệu, nguồn lực tài chính vững vàng, còn các doanh nghiệp nội thường có sự cạnh tranh và triệt tiêu nhau nhất định. Thế nhưng, những cái bắt tay giữa doanh nghiệp nội với nhau thời gian gần đây chứng tỏ, các doanh nghiệp trong nước đang dần loại bỏ tâm lý e ngại về sự cạnh tranh lẫn nhau, thay vào đó là hướng đến sự đồng hành bền vững.

Tiếp tục là xu hướng năm 2025

Nhìn nhận về xu hướng "góp gạo thổi cơm chung" giữa các doanh nghiệp địa ốc, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, điều này xuất phát từ sức khỏe của các doanh nghiệp.

Theo chuyên gia, trải qua "cơn bạo bệnh" giai đoạn 2022 - 2023, không ít doanh nghiệp bất động sản đã trở nên suy yếu từ nguồn lực tài chính đến bộ máy nhân sự. Vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay rất cần sự giúp đỡ. Không chỉ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương mà đó còn là sự giúp đỡ giữa chính các doanh nghiệp với nhau.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, có thể là các doanh nghiệp cùng một lĩnh vực nhưng thế mạnh của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Có doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong phát triển dự án, có doanh nghiệp lại lợi thế về kinh doanh dự án hay không ít doanh nghiệp hiện nay có quỹ đất lớn nhưng nguồn lực về vốn lại khá eo hẹp và ngược lại… Thế nên, việc các doanh nghiệp liên kết với nhau là cơ hội để tăng sức mạnh, tăng khả năng đầu tư và phát triển dự án. Từ đó, tiến độ dự án, chất lượng dự án cũng được đảm bảo, cải thiện nguồn cung cho thị trường.

"Kể cả khi thị trường không khó khăn thì sự đoàn kết, hợp sức cũng sẽ giúp các doanh nghiệp đi nhanh hơn, vững vàng hơn. Vì vậy, xu thế 'góp gạo thổi cơm chung' của các doanh nghiệp địa ốc sẽ ngày càng phổ biến", lãnh đạo VNREA nhận định.

Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh xu hướng "góp gạo thổi cơm chung"- Ảnh 2.

"Góp gạo thổi cơm chung" tiếp tục là xu hướng năm 2025.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Thanh Điền cũng bày tỏ, việc phát triển dự án bất động sản không hề đơn giản, không chỉ quỹ đất mà còn thủ tục pháp lý, thiết kế dự án, phát triển dự án, phân phối bán hàng… Thế nên, việc hợp tác cùng phát triển, cùng bổ trợ cho nhau giữa các doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm khó khăn như hiện tại là rất cần thiết.

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2025 sẽ chuyển biến tích cực hơn năm 2024 nhờ nền tảng pháp lý hoàn thiện và đang dần đi vào cuộc sống, tâm lý nhà đầu tư cũng dần ổn định hơn. Tuy nhiên với các doanh nghiệp bất động sản, họ cần thêm thời gian để lấy lại phong độ như giai đoạn 2018- 2019, bởi trải qua "cuộc đại phẫu" vừa qua, không ít doanh nghiệp đã cạn sức. Do vậy, năm 2025 khả năng sẽ chứng kiến nhiều hơn các thương vụ doanh nghiệp địa ốc hợp tác với nhau.

"Nhìn nhận thực tế, áp lực nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất lớn. Tỷ lệ nợ phải trả tại một số doanh nghiệp ở mức báo động khi tăng đến hơn 60%. Với những doanh nghiệp không ghi nhận nợ lớn thì thiếu hụt quỹ đất, thiếu kinh nghiệm đầu tư, thiếu đội ngũ chất lượng... Thế nên, việc tìm kiếm các doanh nghiệp có cùng chí hướng, có khả năng hỗ trợ những thiếu sót cho nhau cũng được xem là "phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp địa ốc thời điểm hiện tại", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, giữa các doanh nghiệp trong nước làm ăn với nhau vẫn thuận tay hơn, còn hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài sẽ có những vướng mắc nhất định. Nhất là việc lo sợ doanh nghiệp ngoại thâu tóm, "nuốt chửng" doanh nghiệp nội./.

 

LIÊN KẾT
FANPAGE