Doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh kinh doanh mới

Date: - View: 1059 - By:

PVThứ ba, 30/7/2019 | 06:00 GMT+7

Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu sản phẩm dệt may bởi chi phí nhân công trong ngành thuộc hàng thấp nhất thế giới. Nhưng trong bối cảnh hội nhập và công nghệ số phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp ngành may cần thay đổi cho thích ứng với bối cảnh mới. TS. Huỳnh Thanh Điền nhận định

Doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh kinh doanh mới

* Ông đánh giá thế nào về xu hướng và thực trạng của ngành dệt may hiện nay? 

- Những năm gần đây, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do trên thế giới, với cam kết ưu đãi thuế quan các dòng sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp dệt may phải thỏa mãn điều kiện về xuất xứ, lao động, môi trường và trách nhiệm xã hội... Điều kiện khó đạt nhất đối với các doanh nghiệp ngành may Việt Nam là “quy tắc xuất xứ”, bởi phần lớn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc (quốc gia không nằm trong khối nhiều Hiệp định Việt Nam tham gia ký kết như CPTPP...). Do vậy, khách hàng nước ngoài có khuynh hướng đặt hàng ở các nước có điều kiện hưởng ưu đãi về thuế hơn Việt Nam nên nguồn hàng của nhiều đơn vị có xu hướng giảm mạnh. 

Hơn nữa, trong những năm gần đây, xu hướng khách hàng đặt đơn hàng nhỏ, mẫu mã đa dạng, đòi hỏi doanh nghiệp quản trị sản xuất linh hoạt. Trong khi đó, các đơn vị ngành may chưa quen với sản xuất linh hoạt nên năng suất thấp, giá thành cao, dẫn đến năng lực cạnh tranh ngày càng giảm. Do đơn hàng không ổn định, năng suất thấp, tiền lương của công nhân thấp nên lao động có xu hướng nghỉ việc ngày càng nhiều, gây thêm khó khăn trong quản lý năng suất tại hầu hết các đơn vị.

Cạnh đó, xu hướng công nghệ xuất hiện nhiều ngành có tỷ suất sinh lời cao, những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động ngày càng kém hấp dẫn lao động. Theo đó, doanh nghiệp may muốn tồn tại, cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý, thiết bị tự động hóa thay thế công nhân. 

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang ở cuối pha tăng trưởng, dự báo bắt đầu pha suy thoái vào năm 2021. Khi đó sức mua sẽ giảm, lãi suất cao, rủi ro từ thu hồi công nợ, tồn kho sẽ ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, chính sách tiền lương sẽ tiếp tục cải cách theo hướng tăng tiền lương tối thiểu vùng, gây áp lực tăng chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất gia công, sử dụng nhiều lao động trong ngành may.

* Theo ông, doanh nghiệp ngành dệt may cần thay đổi thế nào để thích ứng?

- Trong chuỗi giá trị của ngành may, từ khâu thiết kế, nguyên liệu, cắt may, thương hiệu và phân phối, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động trong khâu cắt may với giá trị gia tăng thấp. Các đơn hàng sản xuất xuất khẩu chủ yếu thông qua các trung gian thương mại nên kém vị thế đàm phán. Khi hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp may Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh, bởi khó đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ nên đơn hàng sản xuất ngày càng giảm, gây thêm nhiều khó khăn.

Để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới, doanh nghiệp ngành may cần tích cực tìm kiếm khách hàng trực tiếp để gia tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp sản xuất cần đa dạng khách hàng để tránh rủi ro phụ thuộc vào các đối tác lớn. Cạnh đó, cần chú trọng việc tuyển dụng và đào tạo tiếng Anh cho nhân viên để đảm bảo có khả năng làm việc, giao dịch trực tiếp với khách hàng nước ngoài.

Xu hướng giảm lao động trong ngành may là tất yếu, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất từ khi nhận đơn hàng đến khi hoàn chỉnh giao hàng và ra báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh và báo cáo tài chính. Đồng thời, sắp xếp lại mô hình tổ chức, tinh giảm lao động gián tiếp theo hướng tinh gọn và chuyển đổi công nghệ sản xuất thay thế lao động.

Cần phải nghiên cứu đầu tư thiết bị tự động hóa trong các khâu trải, cắt, may, hoàn tất đến hệ thống chuyền treo... để thay thế lao động và tăng năng suất lao động. Việc đầu tư công nghệ tự động hóa sản xuất thay thế lao động là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với xu hướng lao động chuyển dịch sang các ngành khác.

Đồng thời duy trì và thực hiện tốt các hệ thống quản lý chất lượng, môi trường và trách nhiệm xã hội để đáp ứng đủ các điều kiện xuất khẩu theo tinh thần của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi vì các nước có xu hướng xây dựng các hàng rào kỹ thuật để thay thế cho việc cắt giảm thuế quan. 

LIÊN KẾT
FANPAGE