Hạn chế đầu cơ, khuyến khích đầu tư

Date: - View: 1995 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN- SGGP 

Đầu cơ là việc bỏ tiền mua nắm giữ tài sản, chờ tăng giá để bán kiếm lời. Hành vi này gây cản trở quá trình vận hành tạo giá trị của tài sản, cũng như hạn chế cơ hội việc làm và cuộc sống của phần lớn người dân trong nền kinh tế. 

 
Chẳng hạn như đầu cơ bất động sản đẩy giá lên cao, tạo gánh nặng chi phí mặt bằng cho sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) và làm mất đi cơ hội nhà ở của phần lớn người dân. 
Nguy cơ từ bỏ hoạt động sản xuất kinh doanh
Hiệu quả của một nền kinh tế được biểu hiện qua sự sôi động của các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tạo ra hàng hóa, dịch vụ phục vụ xã hội (gọi tắt là hoạt động đầu tư thực). Nhờ vào hoạt động đầu tư thực mà tài sản liên tục vận hành để tạo giá trị, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho nhiều người, góp phần kiến tạo văn minh cho xã hội. 
Hoạt động đầu tư thực sẽ mang lại nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, bởi khi thúc đẩy được hoạt động đầu tư thực, các giao dịch hàng hóa, dịch vụ ngày càng sôi động nên thu được thuế giá trị gia tăng nhiều hơn; thu nhập cho người lao động sẽ cao hơn nên thu được thuế thu nhập cá nhân; nhiều DN có lợi nhuận nên thu được thuế thu nhập DN. 
Hạn chế đầu cơ, khuyến khích đầu tư ảnh 1Trong cơn sốt đất, nhiều người đầu cơ mua đất rồi phân nhỏ thành đất nền bán lại kiếm lời. Ảnh: TRẦN YÊN
Ngược lại, nếu hiện tượng đầu cơ trở nên phổ biến trong nền kinh tế sẽ thu hút phần lớn nguồn vốn từ xã hội. Khi càng nhiều người tham gia đầu cơ, giá của tài sản đầu cơ sẽ tăng lên nhanh chóng, càng tạo nên sức hút mãnh liệt, bất chấp vi phạm pháp luật và rủi ro.
Điển hình nhất là đầu cơ tiền ảo trong những năm gần đây, khi một số đồng tiền ảo tăng nhanh, nhiều người đã đầu tư dù pháp luật không công nhận và bất chấp cảnh báo rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.
Đầu cơ thực chất là hoạt động kiếm tiền thông qua cơ chế đẩy giá tài sản đầu cơ lên cao, người mua tài sản sau trả tiền lời cho người mua tài sản trước, tài sản luôn nằm trong trạng thái “đóng băng”, không được sử dụng để tạo giá trị cho xã hội. 
Đầu cơ thường phổ biến trong các thị trường kém hiệu quả, như thiếu minh bạch về thông tin, tồn tại sự thao túng của các nhóm lợi ích. Những ai có thông tin trước thường thực hiện hành vi đầu cơ. Thêm nữa, chính sách điều tiết kinh tế kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến hành vi đầu cơ trở nên phổ biến. 
Chẳng hạn như hành vi đầu cơ được thực hiện dễ dàng, không bị đánh thuế; môi trường kinh doanh đối với các hoạt động đầu tư thực khó khăn hơn hoạt động đầu cơ; dòng tín dụng vào hoạt động đầu cơ dễ giải ngân hơn đối với sản xuất kinh doanh thực. 
Khi nhận thấy cơ hội kiếm tiền từ đầu cơ dễ hơn các hoạt động đầu tư thực,  nhiều người sẽ đổ xô vào hoạt động đầu cơ. Thậm chí, nhiều DN từ bỏ hoạt động sản xuất kinh doanh thực để đầu cơ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh hơn, cao hơn. Khi giải ngân cho vay vào hoạt động đầu cơ dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng, thì họ sẽ có khuynh hướng cho vay đầu cơ nhiều hơn. 
Chẳng hạn như người đầu cơ dùng bất động sản đầu cơ với tiềm năng tăng giá nhanh để thế chấp, thì tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn giải ngân hơn so với các DN thế chấp bằng máy móc thiết bị (vì bị hao mòn hữu hình lẫn vô hình).
Hướng dòng tín dụng vào sản xuất
Nguyên tắc xuyên suốt cho các giải pháp hạn chế, ngăn chặn đầu cơ là đầu cơ phải trả tiền, và tham gia đầu cơ sẽ khó khăn hơn hoạt động đầu tư thực. 
Theo đó, đánh thuế cao, thậm chí là thuế chồng thuế, phí chồng phí đối với các hành vi đầu cơ, để người ta phải trả nhiều tiền hơn khi thực hiện hành vi gây nguy hại cho nền kinh tế. 
Chẳng hạn như đánh thuế tài sản lên đối tượng đầu cơ bất động sản sẽ góp phần tích cực hạn chế việc đầu cơ bất động sản, tạo cơ hội nhà ở cho nhiều người dân hơn. Bởi nắm giữ bất động sản càng nhiều, càng lâu thì càng nộp thuế nhiều, nên sẽ hạn chế những ai đầu cơ nắm giữ bất động sản. Khi đánh thuế tài sản bất động sản, cần lưu ý chỉ đánh vào đối tượng có hành vi đầu cơ.
Hoạt động đầu cơ và mua nhà cho thuê của cá nhân thực chất là hoạt động kinh doanh nên phải chịu thuế tương tự như DN chịu thuế thu nhập DN. Vì là hoạt động kinh doanh bất động sản cá nhân, khó biết được lợi nhuận chịu thuế, không thể đánh thuế thu nhập DN nên thay thế bằng thuế tài sản.
Đối với DN đăng ký kinh doanh bất động sản thì không đánh thuế tài sản, bởi họ đã nộp thuế thu nhập DN. Với chính sách thuế tài sản này, sẽ tạo bình đẳng cho 2 đối tượng DN và cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản. Để một chính sách thuế hiệu quả, cần đi kèm với thắt chặt kỷ cương thu thuế để tạo ra sự bình đẳng giữa các đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh đánh thuế vào hoạt động đầu cơ, cần tạo ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn đối với các hoạt động đầu tư thực. Chẳng hạn như quy định thuế thấp hơn, nhiều chính sách trợ giúp và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. 
Cần tạo ra các kênh huy động vốn nhàn rỗi vào các hoạt động đầu tư thực, chẳng hạn như phát triển các quỹ đầu tư để huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp. Nếu các quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả, thông qua quỹ, nhiều người có vốn nhàn rỗi sẽ góp vốn vào hoạt động đầu tư thực thay vì phải đầu cơ gánh chịu thêm thuế và phí. 
Chính sách tiền tệ giữ vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nguồn vốn, khi đầu cơ càng sôi động thì các tổ chức tín dụng càng có khuynh hướng cho vay đầu cơ nhiều hơn. 
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần định hướng dòng tín dụng đi vào sản xuất, theo nguyên tắc lãi suất cho vay đối với hoạt động đầu cơ luôn cao hơn so với hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc ban hành những quy định khắt khe về điều kiện xét cho vay đối với mục đích đầu cơ.

http://www.sggp.org.vn/han-che-dau-co-khuyen-khich-dau-tu-515766.html

LIÊN KẾT
FANPAGE