Harvard và Trump: Cuộc đối đầu giữa hai hệ giá trị

Date: - View: 292 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Từ nhiều thập kỷ qua, Đại học Harvard là biểu tượng quyền lực mềm của nước Mỹ, nơi sản sinh ra nhiều chính trị gia và học giả có ảnh hưởng lớn. Harvard có thể được xem cái nôi của giới tinh hoa (elite), đại diện cho hệ thống giá trị tự do, toàn cầu hóa. Trong khi đó, Donald Trump lại xuất hiện như hiện thân của một xu hướng ngược lại: dân túy, bài trừ giới tinh hoa, và đòi “lấy lại nước Mỹ” khỏi tay những người mà ông cho là làm giàu từ hệ thống mà không phục vụ nhân dân.

Sự đối lập giữa Harvard và Trump không chỉ mang tính biểu tượng, đã nhiều lần bùng phát thành đối đầu trực diện. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Trump đã công khai chỉ trích các trường đại học hàng đầu, đặc biệt là Harvard như là nơi trở thành trung tâm nuôi dưỡng tư tưởng cấp tiến cực đoan. Ông nhiều lần gọi các đại học như Harvard là nơi "tẩy não sinh viên", "xúi giục hận thù chủng tộc", hoặc thậm chí "đào tạo những kẻ chống Mỹ". Giới học thuật phản bác lại rằng đây là sự xuyên tạc, cố tình làm sai lệch mục tiêu giáo dục tiến bộ, trong khi Trump và các đồng minh coi đó là biểu hiện của sự “suy đồi đạo đức” trong nền giáo dục Mỹ.

Căng thẳng bắt đầu từ năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, chính quyền Trump ban hành chính sách buộc sinh viên quốc tế rời khỏi Mỹ nếu các trường học chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Quyết định này gây sốc và đe dọa hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế, trong đó có nhiều sinh viên đang theo học tại Harvard. Ngay lập tức, Harvard và MIT đã nộp đơn kiện chính quyền liên bang, lập luận rằng chính sách này là "tàn nhẫn, vô lý và vi hiến". Kết quả, chính phủ buộc phải rút lại chính sách. Chiến thắng thuộc về giới học thuật, nhưng đã trực diện thách thức quyền lực Tổng thống, chỉ là sự khởi đầu cho cuộc chiến.

Trump và các đồng minh từ lâu đã chỉ trích chính sách "ưu tiên chủng tộc" (affirmative action) của các trường Ivy League như Harvard. Họ cáo buộc Harvard kỳ thị sinh viên người Mỹ gốc Á khi dùng sắc tộc như một yếu tố trong xét tuyển. Năm 2023, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ – với đa số thẩm phán do Trump bổ nhiệm đã ra phán quyết cấm các trường đại học xét đến sắc tộc trong tuyển sinh. Đây là một thất bại nặng nề đối với Harvard, vốn từ lâu ủng hộ các chính sách hướng đến sự đa dạng văn hóa trong giáo dục. Đó là một thất bại pháp lý mang tính biểu tượng, đánh dấu các giá trị cốt lõi mà Harvard đại diện đang bị thử thách.

Cuối năm 2023, sau cuộc xung đột Israel – Hamas, nhiều sinh viên và tổ chức sinh viên tại Harvard bày tỏ quan điểm chỉ trích Israel. Dù không chính thức lên tiếng ủng hộ bất kỳ bên nào, Harvard bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng truyền thông và chính trị, bị chỉ trích là “thiếu lập trường đạo đức”, đồng thời cũng bị tố là trấn áp tiếng nói sinh viên Palestine. Nhân sự kiện này, Trump và các chính trị gia cánh hữu cho đây là một ví dụ cho thấy Harvard đã “đánh mất đạo đức” và “ủng hộ chủ nghĩa cực đoan”.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm, đã vượt khỏi phạm vi học thuật, vào đầu tháng 4 năm 2025, chính quyền Trump đã gửi thư yêu cầu Harvard thực hiện một loạt thay đổi sâu rộng, bao gồm: Kiểm tra lý lịch và tư tưởng của sinh viên và giảng viên, đặc biệt là những người có quan điểm ủng hộ Palestine; Giám sát các tổ chức sinh viên quốc tế và cung cấp thông tin chi tiết về các khoản tài trợ nước ngoài; Thay đổi chính sách tuyển sinh và tuyển dụng, nhằm loại bỏ những cá nhân bị coi là "chống lại giá trị Mỹ". Chính quyền cảnh báo rằng nếu Harvard không tuân thủ, họ sẽ mất quyền miễn thuế và bị cắt giảm hàng tỷ đô la tài trợ liên bang.

Phản ứng của Harvard rất kiên quyết. Trong tuyên bố công khai ngày 14 tháng 4, Quyền Hiệu trưởng Alan Garber khẳng định Harvard sẽ không tuân thủ các yêu cầu mang tính chính trị và nhấn mạnh quyền tự do học thuật là bất khả xâm phạm. Câu nói đó nhanh chóng trở thành biểu tượng kháng cự trong cộng đồng học thuật và chính trị Mỹ. Hàng loạt lãnh đạo, từ cựu Tổng thống Barack Obama, các hiệu trưởng trường Ivy League đến cựu CEO Google Eric Schmidt, đồng loạt lên tiếng ủng hộ Harvard. Eric Schmidt cảnh báo rằng việc trừng phạt Harvard sẽ là đòn đánh vào tương lai công nghệ và đổi mới của Mỹ, một đất nước mà nền tảng sức mạnh phần lớn bắt nguồn từ các đại học nghiên cứu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây lại là “thắng lợi chiến lược” cho phong trào dân túy cánh hữu. Trong mắt hàng triệu cử tri trung thành với Trump, Harvard đại diện cho một tầng lớp đã “phản bội đất nước”, nuôi dưỡng tư tưởng toàn cầu hóa, nhập cư và “phủ nhận giá trị truyền thống Mỹ”. Việc Trump công khai đối đầu và đe dọa Harvard chỉ củng cố hình ảnh ông như một người “dám đụng vào cái bất khả xâm phạm”.

Điều đáng lo ngại là cuộc đối đầu này không đơn thuần là tranh chấp ngân sách hay chính sách giáo dục. Nó là biểu hiện sâu sắc của cuộc khủng hoảng bản sắc nước Mỹ hiện đại: giữa một bên là tinh thần học thuật, phản biện, đa nguyên tư tưởng; và một bên là chủ nghĩa hành pháp cứng rắn, dân túy và khát vọng kiểm soát định hướng tư tưởng quốc gia. Harvard đứng trước nguy cơ trở thành “vật tế thần” trong một cuộc chiến chính trị mà giáo dục chỉ là cái cớ.

Tương lai của cuộc đối đầu này vẫn chưa rõ ràng. Nhiều khả năng Harvard sẽ đưa vụ việc ra tòa, kéo theo một chuỗi kiện tụng pháp lý phức tạp. Nhưng nếu Harvard khuất phục, đó sẽ là tiền lệ để chính phủ kiểm soát và trừng phạt bất kỳ tổ chức nào có quan điểm đối lập. Ngược lại, nếu Harvard giữ vững lập trường, nó sẽ trở thành biểu tượng cho cuộc kháng cự dân sự, nơi tri thức không chịu khuất phục quyền lực.

Dù kết quả thế nào, cuộc chiến giữa Harvard và Trump đang từng bước định hình lại tương quan quyền lực giữa chính quyền và giới học thuật, và xa hơn nó là bài kiểm tra về sức bền của những giá trị đã làm nên nước Mỹ.

LIÊN KẾT
FANPAGE