TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Khi Mỹ áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, mục tiêu ban đầu là nhằm bảo vệ lợi ích trong nước, giảm nhập siêu và tạo lợi thế cho sản phẩm nội địa. Tuy nhiên, chính sách này không chỉ gây ra căng thẳng thương mại, mà còn có thể kích hoạt một “hiệu ứng ngược”, khi người dân ở các nước bị ảnh hưởng phản ứng bằng cách tẩy chay hàng hóa Mỹ.
Tẩy chay hàng hóa là phản ứng cảm tính có thể chuyển hóa thành hành động thực tế, đặc biệt khi đi kèm với tinh thần dân tộc, sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, và trong một số trường hợp, là sự khuyến khích từ chính phủ sở tại. Tâm lý “không dùng hàng của kẻ gây hấn” đã từng xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ, và thậm chí là các nước đồng minh của Mỹ, trong những thời điểm mà quan hệ song phương rơi vào khủng hoảng.
Nhưng tác động không dừng lại ở đó. Các biện pháp thuế đối ứng, nếu bị xem là thiếu công bằng, có thể gây tổn hại đến hình ảnh của Mỹ trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại kép: vừa phải chịu thuế trả đũa từ nước khác, vừa đối mặt với tâm lý quay lưng từ người tiêu dùng ngoại quốc. Điều này có thể làm suy giảm doanh thu, mất thị phần vào tay đối thủ từ các quốc gia trung lập hơn. Đây chính là một dạng hiệu ứng ngược, chính sách lại trở thành gậy phản chủ.
Hơn nữa, trong một thế giới mà thương hiệu gắn liền với uy tín quốc gia, việc bị gắn nhãn “chơi không đẹp” có thể ảnh hưởng đến cả các lĩnh vực phi thương mại như du lịch, giáo dục và đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi phong trào tẩy chay không kéo dài, hình ảnh đã bị tổn thương sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng hàng hóa Mỹ vẫn giữ được sức hút lớn về chất lượng và thương hiệu, đặc biệt trong các ngành công nghệ, thời trang cao cấp hay nông sản. Tuy nhiên, nếu hiệu ứng tẩy chay lan rộng, kéo dài hoặc được tổ chức bài bản hơn, hoàn toàn có thể làm lung lay vị thế của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Chính sách thuế đối ứng vừa là công cụ kinh tế, vừa là đòn bẩy chính trị và cũng là con dao hai lưỡi. Trong thời đại của truyền thông xã hội và tiêu dùng ý thức, việc “đánh thuế” một quốc gia có thể vô tình chọc giận cả một cộng đồng người tiêu dùng, dẫn đến những hậu quả vượt xa tính toán ban đầu.