Hội nhập hay bảo hộ: Ngã rẽ nào cho kinh tế toàn cầu?

Date: - View: 1339 - By:

TS.HUỲNH THANH ĐIỀN l 28/02/2019

Những diễn biến trái ngược nhau trên thế giới đặt ra câu hỏi về xu hướng nào cho kinh tế toàn cầu: hội nhập sâu rộng tiếp tục diễn ra hay chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại?

Hội nhập không mang lại lợi ích cân bằng cho các nhóm người trong xã hội. Ở những nước phát triển, các tập đoàn đa quốc gia thường có lợi, nhưng doanh nghiệp bản địa bất lợi, việc làm cho người lao động bị đe doạ. Ở các nước đang phát triển thì ngược lại, FDI được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội việc làm, nhưng doanh nghiệp bản địa sẽ gặp áp lực cạnh tranh lớn. Khi đó sẽ xuất hiện làn sóng phản đối hội nhập với số đông, tạo áp lực cho chính quyền thay đổi các cam kết hội nhập. Đồng thời các đảng phái chính trị sẽ nắm bắt tâm lý này để xây dựng những chương trình hành đồng tranh cử và thực hiện cam kết sau khi chiến thắng nên sự phức tạp của môi trường kinh doanh quốc tế sẽ tiếp diễn.

Nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, bên cạnh đó là Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xuất hiện. Những ngày gần đây, những tin tức cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều hướng đến bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa hai nước… Những diễn biến trái ngược nhau trên thế giới đặt ra câu hỏi về xu hướng nào cho kinh tế toàn cầu: hội nhập sâu rộng tiếp tục diễn ra hay chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại?

Các học thuyết kinh tế quốc tế, từ cổ điển đến hiện đại, đều chứng minh được lợi ích gia tăng cho các quốc gia mở cửa hội nhập (tham gia các hiệp định thương mai song phương và đa phương) bất kể nước lớn hay nước nhỏ, bởi mỗi quốc gia đều có lợi thế so sánh. Khi hàng hoá và dòng vốn tự do di chuyển qua lại, mỗi quốc gia có thể lựa chọn ngành có lợi thế để tập trung sản xuất hiệu quả nhất và nhập khẩu những mặt hàng không có lợi thế.

Sản xuất các ngành có lợi thế không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp bản địa mà còn đón nhận là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ các quốc gia phát triển. Các doanh nghiệp FDI luôn có ưu thế trong khai thác các lợi thế hơn so với doanh nghiệp bản địa bởi sự vượt trội về năng lực tiệp cận thị trường, công nghệ và trình độ nhân lực. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI luôn là thành phần đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho các nước đang phát triển.

Quá trình di chuyển nguồn lực tự do dần định hình chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành. Theo đó, các khâu thiết kế, thương hiệu và phân phối với giá trị gia tăng cao tập trung tại các quốc gia phát triển; các khâu giá trị gia tăng thấp như nguyên liệu, sản xuất, gia công… tập trung tại các quốc gia đang phát triển. Khâu có giá trị gia tăng cao cần ít lao động hơn sơ với các khâu giá trị gia tăng thấp hơn. Do vậy, các quốc gia phát triển sẽ thiếu công ăn việc làm, còn nhu cầu việc làm sẽ được tạo ra nhiều hơn ở các nước đang phát triển.

Vì lẽ đó, đi kèm với những cam kết về các điều kiện di chuyển tự do hàng hoá và dòng vốn là các cam kết về sự di chuyển tự do về lao động từ các nước phát triển để các nước đang phát triển. Tuy vậy, không phải người lao động nào ở các quốc gia phát triển có điều kiện thuận lợi di chuyển đến các nước khác làm việc nên dẫn đến thiếu hụt việc làm. Cạnh đó, các cam kết này thúc đẩy làn sóng nhập cư vào các nước phát triển tạo ra vấn nạn xã hội.

Các hiệp định thương mại gần đây đưa vào rất nhiều các cam kết với mục đích hướng đến cộng đồng doanh nghiệp làm ăn tiến bộ và văn minh như thân thiện với môi trường, điều kiện làm việc của người lao động, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch trong mua sắm công của chính phủ các nước, quy tắc xuất xứ… Theo đó, các quốc gia đang hướng đến khung pháp luật chung điều tiết các thị trường, thậm chí đã tiến tới đồng tiền chung từ nhiều năm nay như khối liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các cam kết này tạo ra rào cản khá lớn đối với xuất khẩu của các doanh nghiệp bản địa, nhưng cơ hội mở ra cho xuất khẩu đối doanh nghiệp FDI.

Nhiều quốc gia đang phát triển trước đây có chính sách định hướng và điều tiết dòng vốn FDI hiệu quả, tạo ra được sự cộng hưởng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp bản địa như Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước thuộc ASEAN, khu vực Đông Á… góp phần giúp nền kinh tế cất cánh phát triển nhanh chóng. Các tập đoàn đa quốc gia ở các nước phát triển cũng nhờ đó mà phát triển vượt bậc và phủ rộng trên phạm vi toàn cầu. Hơn ai hết, các tập đoàn đa quốc gia luôn khát khao với các Hiệp định thương mại tự do. Vì lẽ đó, các nước đã từng bước gác lại quá khứ, bỏ qua những bất đồng về chính trị, hướng đến bình thường hoá quan hệ thương mại song phương, đa phương trên phạm vi toàn cầu như (Việt Nam - Hoa Kỳ; Việt Nam - Trung Quốc; Mỹ - Cu Ba; và sắp tới là Mỹ - Triều Tiên).

Các tập đoàn đa quốc gia nhờ vào hội nhập nhanh chóng mở rộng thị trường và phát triển sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Khi đó những doanh nghiệp bản địa ở các nước phát triển buộc lòng phải chuyển đổi sang những lĩnh vực sản xuất phụ trợ, làm đối tác với các doanh nghiệp FDI. Lợi thế so sánh của quốc gia cũng có nhiều thay đổi sau khi tham gia vào sân chơi hội nhập. Chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp, trước đây là lợi thế nhưng khi hội nhập thì FDI trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ thâm nhập vào trong nước nhiều hơn với tỷ suất sinh lời cao hơn. Khi đó, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào quyết định đầu tư của FDI nếu chính phủ không có biện pháp hiệu quả trong định hướng, sàn lọc trong thu hút FDI.

Những thành tựu đạt được đi kèm với những trục trặc mà sân chơi hội nhập mang lại là nguồn gốc tạo ra bối cảnh kinh tế quốc tế phức tạp như hiện nay và sẽ tiếp diễn trong tương lai. Đó là xu hướng hội nhập sâu rộng đan xen với các cuộc chiến tranh thương mại song phương giữa các nước. Không quốc gia nào phủ nhận lợi ích mang lại từ hội nhập, nhưng họ không thể bỏ mặc cho các rủi ro và thách thức mà hội nhập mang lại. Do vậy, bên cạnh những cam kết đa phương, tương lai sẽ xuất hiện nhiều cam kết song phương giữa những nước lớn để giải quyết từng vấn đề rủi ro cụ thể, đảm bảo lợi ích hài hoà cho các bên trong từng giai đoạn.

Quá trình xác lập lại các cam kết thường đi kèm với các động thái trả đũa qua lại (đánh thuế nhập khẩu hoặc áp đặt các điều kiện nhằm hạn chế đầu tư, di chuyển lao động…) trong ngắn hạn giữa các nước nhằm chiếm được vị thế thuận lợi cho đàm phán. Khi đó, môi trường kinh doanh quốc tế sẽ diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, xuất hiện nhiều cơ hội xen lẫn những thách mới cho từng quốc gia khác nhau, cho từng ngành khác nhau. Sự bất ổn thường tạo ra tâm lý dè chừng của doanh nghiệp trong các quyết định đầu tư.

Nguồn: https://thegioitiepthi.vn/hoi-nhap-hay-bao-ho-nga-re-nao-cho-kinh-re-toan-cau-158696.html

 

LIÊN KẾT
FANPAGE