Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu liên quan đến nhiều ngành kinh tế và đời sống dân sinh. Những năm gần đây, trước thực tế thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn, nghị định quản lý về lĩnh vực này đã sửa đổi nhiều lần và hiện đang dự thảo nghị định mới để thay thế.
Trong dự thảo nghị định mới quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn là chúng ta chưa thiết lập được tiền đề pháp lý để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự can thiệp của nhà nước; đồng thời, cũng chưa tạo được tính hiệu quả của thị trường trong dài hạn.
Trên thế giới, hiện có 2 phương cách quản lý thị trường xăng dầu: giá cả được điều chỉnh theo cơ chế thị trường tự do và Nhà nước quản lý giá. Tại các nước như Mỹ, Canada, Australia, Đức…, giá cả do cung - cầu quyết định và chính phủ can thiệp bằng các tiêu chuẩn an toàn, môi trường, thuế, sử dụng dự trữ quốc gia để điều tiết.
Hiện nước ta không có kho dự trữ xăng dầu quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, mà Nhà nước hợp đồng thuê kho dự trữ từ các doanh nghiệp lớn. Việc này ẩn chứa nhiều rủi ro và khi cần xả kho dự trữ để ổn định thị trường thì không đạt được mục tiêu. Tương tự, quỹ bình ổn xăng dầu không thực hiện được mục tiêu ổn định giá, thậm chí có những nghi ngại về sự minh bạch!
Trước mắt, chúng ta cần xây dựng chính sách thuế hợp lý theo hướng loại bỏ tất cả các khoản thuế thu qua xăng dầu; cần có chính sách trợ giá xăng dầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất và cải thiện đời sống dân sinh.
Nghị định thay thế lần này cần rút ngắn chuỗi phân phối, chỉ nên từ đầu mối nhập khẩu, sản xuất đến thẳng các trạm bán lẻ/doanh nghiệp sử dụng xăng dầu; khoảng giữa là dịch vụ phụ trợ và vận chuyển. Kế đến là triển khai các chương trình xây dựng kho dự trữ quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, nhằm đảm bảo trữ lượng dự trữ đủ lớn và an toàn khi xảy ra các tình huống bất ngờ. Lâu dài cần xem dự trữ quốc gia là công cụ chủ yếu để điều tiết thị trường.
Xét về dài hạn, cần quy hoạch và có định hướng cải thiện hạ tầng và dịch vụ logistics; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước. Song song đó, thúc đẩy sản xuất, pha chế xăng dầu nội địa để nguồn cung dồi dào hơn. Từ đó, tạo tiền đề chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường tự do dưới sự điều tiết của nhà nước.
Khi đảm bảo các điều kiện để có thể chuyển sang cơ chế giá thả nổi, dự trữ quốc gia được xem là công cụ điều tiết chủ yếu, quỹ bình ổn là công cụ hỗ trợ. Qua đó, từng bước chuyển đổi từ chính sách trợ giá xăng dầu sang hỗ trợ trực tiếp đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá. Lúc đó, tính hiệu quả của thị trường sẽ được phát huy, đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế và quyền lợi của người tiêu dùng.