TS. HUỲNH THANH ĐIỀN
Kết nối giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp lớn, ngân hàng trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với những hoạt động cụ thể, gắn với đặc thù của các đối tượng khởi nghiệp khác nhau là điểm sáng trong các chương trình khởi nghiệp thành công ở các địa phương mà tôi có dịp chứng kiến.
Các chính sách xoay quanh việc kích thích hình thành ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh; ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp và các hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, kết nối đối tác kinh doanh và ngân hàng cho vay. Mỗi nhóm chính sách cần xác định đối tượng được hưởng lợi (doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường, khởi nghiệp sáng tạo, hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp) và đối tượng chịu trách nhiệm thực thi chính sách (cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hội doanh nghiệp, quỹ đầu tư khởi nghiệp).
Để kích thích tinh thần khởi nghiệp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn dắt về thị trường, công nghệ. Rất nhiều trường hợp người khởi nghiệp có ý tưởng, nhưng không rõ ràng về mô hình kinh doanh, cũng như không biết bắt đầu từ đâu nên cần được tư vấn cách thức phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh. Chẳng hạn như ở tỉnh Bến Tre, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Khởi nghiệp (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng đội ngũ chuyên gia cơ hữu (được tập huấn kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp) thực hiện khảo sát, tư vấn lập dự án, xây dựng kế hoạch kinh doanh. Nếu xét thấy dự án khả thi, tuỳ vào điều kiện của mỗi dự án sẽ tiếp tục tư vấn tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, kết nối ngân hàng, đào tạo nhận lực, hỗ trợ công nghệ, xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất.
Nhiều hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển lớn, nhưng do hạn chế bởi mô hình hộ nên khó tiếp cận chính sách hỗ trợ (bởi vì phần lớn chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp), bất lợi khi vay vốn, khó xây dựng và bảo vệ thương hiệu, thiếu tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng kinh doanh, khó đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối lớn,… Nhưng họ lại e ngại chuyển lên doanh nghiệp bởi lo lắng về các thủ tục kê khai, quyết toán thuế, thuê mướn thêm kế toán, nộp thuế nhiều hơn, ngại các đợt thanh kiểm tra,…Mốt số địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu triển khai nhiều hoạt động tư vấn giúp nhận biết lợi ích, chỉ rõ những trường hợp nên chuyển lên doanh nghiệp để có điều kiện phát triển hơn, được nhà nước hỗ trợ thuận lợi hơn. Đồng thời hỗ trợ thủ tục chuyển lên doanh nghiệp với thời gian nhanh và hoàn toàn miễn phí, cũng như đào tạo về quản trị cho doanh nghiệp mới chuyển đổi.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi nhóm ngành một chuỗi các hoạt động có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sản phẩm của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác nến rất cần có sự liên kết doanh nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị. Ở Bến Tre thực hiện định hướng liên kết theo chuỗi giá trị của các nhóm ngành ngày càng phát huy tốt hiệu quả. Chẳng hạn như các sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu của trái dừa: doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cơm dừa bán ráo dừa cho doanh nghiệp làm than, bán vỏ dừa cho doanh nghiệp là chỉ xơ dừa; doanh nghiệp làm chỉ dừa bán bụi xơ dừa (mụn dừa) cho doanh nghiệp làm phân bón,… Nhờ vào định hướng đó tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp sử dụng từ nguồn nguyên liệu dừa rất dồi dào ở Bến Tre.
Chính quyền một số địa phương đã tập hợp các cơ sở sản xuất, hộ cá thể, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm truyền thống có tiếng vào hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao lợi thế theo quy mô, tránh cạnh tranh làm giảm chất lượng, uy tính, nâng cao vị thế đàm phán với nhà phân phối nhằm phát triển xa hơn. Khi tập hợp được các nhà sản xuất, chính quyền thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với các hệ thống phân phối giúp ổn định đầu ra và gia tăng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm truyền thống.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã kêu gọi được các doanh nghiệp lớn đóng góp vào quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để đầu tư ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp khả thi, có tính sáng được hội đồng thẩm định quyết định mức đầu tư cho dự án. Các dự án đầu tư từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp được chuyên gia đồng hành tư vấn, trợ giúp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp nhằm gia tăng khả năng thành công và giúp doanh nghiệp khởi nghiệp làm ăn bài bản ngay từ đầu.
Nguồn vốn từ ngân hàng luôn rất quan trọng, nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp thường khó tiếp cận do thiếu tài sản đảm bảo, hệ thống quản trị yếu, hệ thống sổ sách thiếu minh bạch, không biết cách lập dự án và xây dựng kế hoạch kinh doanh,… nên gây khó khăn cho việc thẩm định cho vay của ngân hàng. Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình hỗ trợ, tư vấn lập và đánh giá tính khả thi dự án, kiện toàn công tác quản trị và hệ thống sổ sách cho doanh nghiệp. Đồng thời kết nối doanh nghiệp với ngân hàng thực hiện cho vay và đồng hành cùng doanh nghiệp để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.
Nơi nào chính quyền quan tâm đến doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp, thì nơi đó sẽ có nhiều ý tưởng được hiện thực hoá, xuất hiện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở Đồng Tháp, lãnh Tỉnh, huyện thường xuyên tạo ra không gian tiếp xúc doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Còn Chương trình Đồng khởi Khởi nghiệp ở Bến Tre được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao của chính quyền Tỉnh. Hầu hết cán bộ liên quan đến công tác khởi nghiệp từ cấp tỉnh đến huyện, xã đều được tập huấn về tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp để thực hiện tốt vai trò đồng hành và trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhất là tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” thông qua các chương trình giám sát của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân Tỉnh đối với các hoạt động trong chương trình đồng khởi khởi nghiệp để kịp thời phát hiện các vướng mắc, chỉ đạo tháo gỡ. Nhờ vậy, đốc thúc khối cơ quan chính quyền quyết liệt vào cuộc thực hiện nhiệm vụ với phương châm “nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp” qua những hoạt cụ thể.