Muốn nới lỏng tiền tệ mà thực sự hỗ trợ đến các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách khác. Trong đó, cần kết hợp với chính sách tài khóa như tăng chi và giảm thu ngân sách Nhà nước.
Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Để lý giải cho điều này, chúng ta có thể nhìn lại bối cảnh và cần phải hiểu câu chuyện xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Khi đó, lạm phát ngay từ đầu năm ở các nước lớn như Mỹ, châu Âu tăng rất cao và ngân hàng trung ương của các nước bắt đầu tăng lãi suất mạnh mẽ. Lẽ ra Việt Nam cũng tăng lãi suất theo, nhưng do năm 2021 chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn, cho nên 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng.
Nhưng với lo ngại về lạm phát từ bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế, thì đến cuối năm, NHNN mới mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên sau đó, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp sa thải người lao động hàng loạt, khiến thu nhập giảm sút và chi tiêu bị thu hẹp. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 rất thấp, chỉ 3,3%.
Những địa phương có xuất khẩu lớn cũng tăng trưởng âm, hay như đầu tàu kinh tế của đất nước tăng trưởng chưa đến 1%, tất cả những vấn đề đó đã gióng lên hồi chuông báo động, buộc Chính phủ phải chuyển sang mục tiêu điều hành vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng. Như vậy để thấy, chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa và mọi việc mà Chính phủ đang làm đều có nguyên nhân cụ thể.
Hiện tại, chúng ta đang nói nhiều về giảm lãi suất điều hành, nhưng bản thân việc này không có tác động nhiều. Điều quan trọng là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp đến đâu. Nếu doanh nghiệp không có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, thì không thể đi vay, do đó, muốn nới lỏng tiền tệ mà thực sự hỗ trợ đến các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách khác. Trong đó, cần kết hợp với chính sách tài khóa như tăng chi và giảm thu ngân sách Nhà nước.
Ví dụ, tăng cường kích thích đầu tư công, tạo việc làm cho doanh nghiệp xây dựng, khi đó các doanh nghiệp liên quan như cung cấp vật liệu xây dựng, vận tải,... cũng sẽ có việc làm, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về dòng vốn.
>> Thống đốc NHNN: Giảm lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất
Xét một cách sâu xa hơn, bản chất nền kinh tế Việt Nam có hai khu vực: Một là, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc thù của khu vực này từ trước đến nay là những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường xuất khẩu trên thế giới đang gặp vấn đề khiến hàng tồn kho lớn và họ phải giảm đơn hàng, sa thải lao động. Việc này chúng ta can thiệp rất khó, nhưng có thể điều chỉnh tỷ giá để hàng Việt Nam bán qua các nước rẻ hơn, tăng tính cạnh tranh hơn.
Cùng với đó là chính sách ngoại thương phải linh hoạt, uyển chuyển, giao tế với các nước để tạo cơ hội cho doanh nghiệp của mình cơ cấu lại thị trường. Ví dụ xuất khẩu qua Mỹ, EU gặp khó, thì chúng ta phải ngoại giao để doanh nghiệp có thể xuất khẩu qua Trung Quốc, qua khu vực ASEAN và những nước vẫn còn tăng trưởng tốt.
Hai là, với khu vực trong nước, vấn đề này rất quan trọng nhưng xuất khẩu cũng không có kỳ vọng quá nhiều, bởi còn phụ thuộc vào khôi phục kinh tế chung của thế giới. Chính vì vậy, để đảm bảo cho tăng trưởng, bù đắp cho sự suy giảm của xuất khẩu thì phải kích cầu nội địa.
Theo tôi, trước mắt chúng ta cần đẩy mạnh vấn đề đầu tư công. Với những dự án lớn, công trình lớn thực hiện theo đúng thủ tục nhà nước sẽ rất lâu. Nhưng có những việc rất nhanh có thể thực hiện được như sửa chữa đường xá, khi ngân sách bỏ ra sửa chữa sẽ tạo nhiều việc làm hơn.
Tiếp đó là kích thích tiêu dùng nội địa như dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ giải trí... Hiện nay có nhiều nhà hàng kinh doanh dịch vụ đang gặp khó khăn, cần được nới lỏng về điều kiện để họ có cơ hội mở rộng hoạt động của mình.
Đặc biệt, phải cố gắng khoan sức dân trong lúc này. Như tôi đã phân tích ở trên, chúng ta mở rộng tài khoá có hai ý quan trọng đó là Chính phủ tăng chi tiêu và giảm thu ngân sách. Nghĩa là không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách trong lúc này, mà làm sao để lại tiền mặt cho doanh nghiệp, cho người dân, trong đó thuế chính là tiền mặt. Chúng ta phải nhận thâm hụt ngân sách thì mới khôi phục được kinh tế, quan điểm này cũng cần nhất quán để tránh phản tác dụng.
Có thể nói, Chính phủ và NHNN đã rất thành công về việc điều hành chính sách trong năm 2022. Vì trong năm đó, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều cú sốc về lạm phát trên thế giới, xung đột Nga - Ukraine và những xung đột cục bộ liên quan đến cuộc chiến đó như khủng hoảng năng lượng...
Khi chúng ta phát triển trong một bối cảnh có rất nhiều tác động, thì Chính phủ đã đặt mục tiêu ổn định và đạt được thành công. Đây là một sự tính toán khôn ngoan, nhưng giữa mục tiêu ổn định và tăng trưởng, rất khó để có thể thực hiện đồng thời.
Nếu chúng ta theo đuổi mục tiêu ổn định, kiềm chế lạm phát thì phải hy sinh tăng trưởng, nhưng đến nay chúng ta đã hy sinh tăng trưởng của quý 1 rồi và tình hình kinh tế thế giới cũng đang khá rõ ràng, vì thế, Chính phủ cần đặt lại mục tiêu là tăng trưởng nhưng không nên quá liều lĩnh để đánh đổi mục tiêu ổn định.
Vậy chỉ còn một cách đó là mở rộng tài khóa và mở rộng tiền tệ. Những chương trình, dự án tạo nền tảng phát triển lâu dài thì nên mạnh dạn thực hiện. Với mở rộng tiền tệ thì phải đi vào sản xuất kinh doanh tăng sản lượng cho nền kinh tế, tuyệt đối không đi vào các kênh đầu cơ.
Tôi nghĩ rằng, các chuyên gia trên thế giới cũng đang đánh giá rất cao về Việt Nam trong việc điều hành vĩ mô. Chính phủ và NHNN đã làm rất tốt vai trò của mình trong từng thời điểm, với chính sách linh hoạt, đó mới là sự lựa chọn phù hợp.