DNSG
TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp thông qua nhiều chính sách hỗ trợ như cung cấp vốn, đào tạo, kết nối, chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, phần lớn các chính sách hiện nay mới chỉ tập trung vào yếu tố nền tảng, mà chưa chạm đến nhu cầu cốt lõi nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp: đầu ra cho sản phẩm.
Vấn đề nan giải nhất đối với startup không phải là ý tưởng hay công nghệ, mà là thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Khi có được những khách hàng đầu tiên, đặc biệt là khách hàng uy tín, doanh nghiệp sẽ tạo được dòng tiền, nâng cao độ tin cậy và có thêm động lực để mở rộng thị trường cũng như gọi vốn. Trong bối cảnh đó, việc Nhà nước đóng vai trò là "khách hàng đầu tiên" (first buyer) đối với các sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo của startup được xem là một chính sách hỗ trợ mang tính đột phá.
Chính sách “Nhà nước là khách hàng đầu tiên” đã được nhiều quốc gia áp dụng với hiệu quả tích cực. Tại Hoa Kỳ, chương trình SBIR (Small Business Innovation Research, tức là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nghiên cứu và phát triển) và STTR (Small Business Technology Transfer, tức là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ) cho phép các cơ quan nhà nước như Bộ Quốc phòng, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), Bộ Năng lượng… đặt hàng sản phẩm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn rủi ro cao và trưởng thành từ đơn hàng đầu tiên của chính phủ.
Tại Israel, chính phủ hỗ trợ các startup thử nghiệm sản phẩm với các cơ quan công, thậm chí tài trợ một phần chi phí để các đơn vị nhà nước chấp nhận sản phẩm mới. Hàn Quốc cũng triển khai chương trình “mua sắm công vì đổi mới sáng tạo” (Public Procurement for Innovation), ưu tiên các startup đổi mới sáng tạo trong đấu thầu công. Những đơn hàng ban đầu không chỉ mang lại doanh thu, mà còn giúp doanh nghiệp khẳng định uy tín trên thị trường.
Chính sách này giúp doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua “thung lũng chết” - giai đoạn mà phần lớn startup thất bại vì thiếu dòng tiền và thị trường. Việc có được một đơn hàng từ Nhà nước không chỉ tạo dòng tiền sớm mà còn là cách phát đi tín hiệu về độ tin cậy của sản phẩm, giúp startup dễ dàng hơn khi tiếp cận các nhà đầu tư hoặc khách hàng tiếp theo. Đồng thời, việc Nhà nước chủ động sử dụng sản phẩm mới còn tạo ra động lực đổi mới trong khu vực công, giúp hiện đại hóa các dịch vụ công.
Chính sách này không vi phạm cam kết nếu được thiết kế hợp lý. Theo các cam kết tại WTO hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia như CPTPP, EVFTA, chính sách mua sắm công vẫn có không gian để ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, miễn là tuân thủ các nguyên tắc minh bạch, không phân biệt đối xử và cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, nhiều hiệp định có điều khoản bảo lưu áp dụng cho những lĩnh vực nhất định hoặc theo ngưỡng giá trị mua sắm cụ thể, tạo dư địa để Việt Nam triển khai chính sách khuyến khích tiêu dùng sản phẩm khởi nghiệp trong khu vực công.
Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này tại Việt Nam cũng có những rủi ro tiềm ẩn. Trước hết là nguy cơ bị lạm dụng dưới hình thức xin - cho hoặc chỉ định thầu thiếu minh bạch. Nếu không có cơ chế đánh giá khách quan, việc lựa chọn startup cung cấp sản phẩm có thể dẫn đến thất thoát ngân sách hoặc làm méo mó thị trường.
Ngoài ra, tâm lý e ngại rủi ro trong khu vực công cũng là một trở ngại lớn, bởi các đơn vị hành chính thường ngại sử dụng sản phẩm mới chưa được kiểm chứng rộng rãi. Một rủi ro khác là nguy cơ chọn nhầm startup, khi sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cơ quan công.
Do đó, để chính sách “Nhà nước là khách hàng đầu tiên” phát huy hiệu quả, cần được thiết kế bài bản với các cơ chế kiểm soát rủi ro và khuyến khích thử nghiệm có định hướng. Theo đó, cần công khai danh mục các nhu cầu từ phía cơ quan nhà nước để startup có thể chủ động đề xuất giải pháp.
Đồng thời, cần thiết lập quỹ hỗ trợ tài chính cho cả bên mua và bên bán trong giai đoạn đầu sử dụng sản phẩm mới. Chính sách mua sắm công nên tách thành hai giai đoạn: thử nghiệm có hỗ trợ (không cần đấu thầu truyền thống) và mở rộng quy mô (thực hiện đấu thầu cạnh tranh). Cuối cùng, chính sách nên ưu tiên triển khai trước tại các lĩnh vực có tiềm năng đổi mới và ít rủi ro hệ thống như giáo dục, y tế, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, và chuyển đổi số.
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang thiếu những cú hích thực chất, việc Nhà nước đóng vai trò là khách hàng đầu tiên là một hướng đi chiến lược, mang tính tạo động lực hơn là hỗ trợ đơn thuần. Nếu được thiết kế và vận hành minh bạch, chính sách này không chỉ giúp khởi nghiệp phát triển, mà còn góp phần hiện đại hóa khu vực công, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách và kích thích đổi mới sáng tạo trong toàn nền kinh tế.