Có nhiều dự định khởi nghiệp chưa bao giờ trở thành hành động, cũng có những doanh nghiệp được lập mà vẫn còn loay hoay với việc xác định hướng đi. Từ ý định đến hành động khởi nghiệp là quãng đường hoặc dài, hoặc ngắn, tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, cũng như bản thân của người khởi nghiệp. Để chuẩn bị hành trang cho công cuộc khởi nghiệp thành công sau này, cần sớm nuôi dưỡng dự định làm giàu chân chính.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa việc kiếm nhiều tiền với làm giàu chân chính. Hậu quả của sự nhầm lẫn này lớn hơn tưởng tượng của chúng ta rất nhiều. Sự nhầm lẫn này là nguồn gốc hình thành đội ngũ doanh nhân dùng các thủ thuật chụp giật, đầu cơ, lừa dối khách hàng, luồn lách pháp luật... để kiếm tiền mà không tạo ra giá trị và văn minh cho xã hội, mà ngược lại, làm đất nước nghèo đi.
Làm giàu chân chính là tạo ra giá trị cho khách hàng và làm giàu cho xã hội. Thấu hiểu được triết lý làm giàu chân chính để xây dựng động cơ khởi nghiệp đóng góp tích cực cho văn minh và tiến bộ xã hội. Động cơ làm giàu tiêu cực hay tích cực phụ thuộc vào yếu tố của môi trường kinh doanh. Để khởi nghiệp thành công cần trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực, cũng như bản lĩnh vượt qua thách thức khi gặp thất bại. Những nội dung này được đúc trong chương 1: Làm giàu chân chính.
Làm giàu là quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị trên mức sẵn lòng trả của khách hàng, thậm chí với giá cao. Thấu hiểu khách hàng sẽ giúp chúng ta nảy sinh ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Quá trình phát triển kinh doanh từ việc lên kế hoạch, huy động các nguồn lực xây dựng văn phòng, nhà xưởng sản xuất đến giai đoạn tung sản phẩm ra thị trường đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt hết được. Những nguyên lý, kỹ năng cần thiết để khám phá ý tưởng và chuẩn bị hiện thực hoá ý tưởng được đúc kết trong chương 2: Phát triển ý tưởng khởi nghiệp.
Dự án khởi nghiệp cần được lập và đánh giá tính khả thi toàn diện trên các khía cạnh pháp lý, lựa chọn vị trí, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, thiết kế sản phẩm, marketing, bán hang, lựa chọn công nghệ, quản lý vận hành, hiệu quả tài chính, rủi ro,... Lập báo cáo nghiên cứu khả không chỉ giúp người khởi nghiệp biết được hiệu quả và tính khả thi của dự án khởi nghiệp, mà còn dễ dàng hơn trong chia sẻ với cộng sự, huy động vốn, cũng như thực hiện các thủ tục pháp lý,... Báo cáo nghiên cứu khả thi được hướng dẫn chi tiết trong chương 3: Dự án khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ công ty khởi nghiệp thất bại khá cao. Không chỉ những người thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệp gặp thất bại mà kể cả người có trình độ cao, người từng làm thuê ở vị trí quản lý tại các công ty thành danh, khi khởi nghiệp cũng gặp phải thất bại phổ biến. Có sự khác biệt khá lớn trong quản trị giữa công ty khởi nghiệp với công ty đã thành danh. Những kỹ năng quản trị gắn với đặc thù của công ty khởi nghiệp như: quản trị bán hàng, tài chính, rủi ro, marketing, sản xuất, cung ứng, nhân sự, dự án... được đúc kết
trong chương 4: Quản trị công ty khởi nghiệp.
Chính phủ và chính quyền các địa phương cũng nhìn thấy những điểm yếu của công ty khởi và tạo ra nhiều chính sách thúc đẩy, trợ giúp. Phát triển doanh nghiệp được xác định có ba nguồn cơ bản, gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp mới hoàn toàn, doanh nghiệp hiện có phát triển thêm quy mô và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Cả ba dạng khởi nghiệp trên có những đặc thù khác nhau nên hướng kinh do- anh cũng cần tuân thủ, giải quyết theo những nguyên lý khác nhau: từ chiến lược, tổ chức lại, xây dựng hệ thống quản lý bài bản, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, quản lý tài chính, rủi ro... Có nhiều công ty khởi nghiệp làm ăn rất thành công trong những năm đầu, nhưng sau đó lại nhanh chóng lụi tàn, thậm chí phá sản. Đi sâu vào tìm hiểu thấy có rất nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là vì họ chưa biết nhận diện cơ hội, thách thức và cách thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới để tái cấu trúc doanh nghiệp. Chương cuối cùng của quyển sách là những đúc kết về bối cảnh kinh doanh mới, chỉ dẫn phương pháp tái cấu trúc doanh nghiệp: Mở rộng, chuyển đổi và phát triển công ty.
Những nguyên lý, kỹ năng được đúc kết trong quyển sách này một phần xuất phát từ kinh ng- hiệm của bản thân. Nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều điểm cần bổ khuyết. Mong nhận được những ý kiến phản hồi và thảo luận thẳng thắn từ bạn đọc.