Làm Tổng thống Hàn Quốc là công việc nguy hiểm?

Date: - View: 3 - By:

TS Hùynh Thanh Điền

 

Hàn Quốc, quốc gia nổi bật ở châu Á với nền kinh tế phát triển, văn hóa K-pop lan tỏa toàn cầu, và một thể chế dân chủ mạnh mẽ lại mang trong mình một hiện tượng chính trị đặc biệt: nhiều đời Tổng thống sau khi mãn nhiệm đã bị khởi tố, thậm chí kết án và ngồi tù. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi: phải chăng làm Tổng thống ở Hàn Quốc là "công việc nguy hiểm nhất"?

Từ sau thời kỳ độc tài quân sự, Hàn Quốc đã trải qua hàng loạt Tổng thống bị đưa ra ánh sáng pháp luật. Ông Chun Doo-hwan, người lên nắm quyền sau đảo chính năm 1979, bị kết án tử hình (sau giảm xuống tù chung thân) vì phản quốc và tham nhũng, liên quan đến vụ thảm sát Gwangju. Người kế nhiệm là ông Roh Tae-woo cũng chịu án tù vì nhận hối lộ và tham gia đảo chính. Đến đầu thế kỷ 21, cựu Tổng thống Roh Moo-hyun tự tử trong quá trình bị điều tra vì cáo buộc người thân nhận hối lộ. Lee Myung-bak là Tổng thống nhiệm kỳ 2008–2013  bị kết án 17 năm tù vì tham nhũng và biển thủ công quỹ. Park Geun-hye, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất và kết án 25 năm tù vì lạm quyền và dính đến vụ bê bối với người bạn thân Choi Soon-sil. Gân đây, Tổng thống Yoon Suk-yeol (2022–2025) bị phế truất vào ngày 4/4/2025 do ban bố thiết quân luật trái phép, gây khủng hoảng chính trị, trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị phế truất. Trong hơn ba thập kỷ qua, ngoại trừ vài trường hợp hiếm hoi, gần như mọi Tổng thống Hàn Quốc đều vướng vòng lao lý.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy ở một quốc gia vốn được coi là kiểu mẫu về phát triển dân chủ ở châu Á? Có thể lý giải điều này từ nhiều góc độ. Trước hết, Hàn Quốc có hệ thống pháp quyền mạnh mẽ và độc lập. Không giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, nơi mà cựu lãnh đạo thường được “bảo vệ ngầm” sau nhiệm kỳ, ở Hàn Quốc, nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” được thực thi một cách tương đối nghiêm khắc kể cả với cựu nguyên thủ quốc gia.

Thứ hai, mối quan hệ phức tạp giữa chính trị và các tập đoàn lớn (chaebol) là nguyên nhân chính kéo theo nhiều vụ bê bối. Trong bối cảnh các Tổng thống phải xây dựng liên minh chính trị, vận động tài trợ tranh cử và duy trì quyền lực trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi (chỉ 5 năm, không tái cử), không ít người đã phải “mượn sức” từ các chaebol và cái giá phải trả là những thỏa thuận ngầm, lợi ích nhóm, hoặc tham nhũng chính sách.

Thứ ba, yếu tố đấu đá chính trị cũng góp phần làm trầm trọng tình hình. Sau mỗi cuộc bầu cử, đảng đối lập thường lên nắm quyền và khơi lại các bê bối cũ của người tiền nhiệm. Việc khởi tố Tổng thống không chỉ là quá trình pháp lý mà đôi khi còn mang màu sắc trả đũa chính trị. Tuy vậy, sự can thiệp này cũng góp phần thể hiện vai trò giám sát quyền lực, dù đôi khi hơi quyết liệt.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của công chúng và truyền thông. Người dân Hàn Quốc có ý thức chính trị cao, sẵn sàng xuống đường biểu tình đòi minh bạch và công lý  như trong các cuộc xuống đường năm 2016–2017 dẫn đến việc phế truất Park Geun-hye. Truyền thông điều tra mạnh mẽ, không ngần ngại phanh phui các vụ việc lớn, tạo áp lực buộc cơ quan công quyền phải hành động.

Từ hiện tượng đặc biệt này, có thể rút ra nhiều bài học cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển. Trước hết, không ai được đứng trên pháp luật, kể cả người từng nắm giữ quyền lực cao nhất. Thứ hai, nếu không kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, thì nguy cơ hình thành lợi ích nhóm và tham nhũng là rất lớn. Và cuối cùng, xây dựng một văn hóa chính trị dựa trên trách nhiệm, minh bạch và kiểm soát quyền lực hiệu quả là điều kiện tiên quyết để nền dân chủ vận hành bền vững.

Hàn Quốc đã và đang trả giá đắt cho những sai lầm trong quá khứ, nhưng đồng thời cũng cho thấy một điều quan trọng: một nền dân chủ thực sự không chỉ được đo bằng quyền tự do bỏ phiếu, mà còn bằng khả năng chế tài những người từng nắm quyền lực nếu họ làm sai. Chính điều đó làm nên sự khác biệt  và cũng là điều mà nhiều quốc gia nên học hỏi

LIÊN KẾT
FANPAGE