Liên kết doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp

Date: - View: 1491 - By:

Nguyễn LoanThứ hai, 23/12/2019 | 07:30 GMT+7

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia phải định hình rõ nét vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN) lớn nhằm tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm nền tảng thúc đẩy tiến trình CN hóa đất nước.

Liên kết doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp

Liên kết phát triển ngành công nghiệp quốc gia không thể thiếu sự cộng hưởng của ba khu vực kinh tế là nhà nước, tư nhân và khối FDI. Trong đó, doanh nghiệp lớn đóng vai trò trung tâm dẫn dắt thị trường, phát triển công nghệ, trợ giúp vốn, hạ tầng, đồng thời là chỗ dựa để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, TS. Huỳnh Thanh Điền - Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành góp ý.

Xác định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn

Cũng theo TS. Huỳnh Thanh Điền, chiến lược phát triển công nghiệp (CN) quốc gia phải định hình rõ nét vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN) lớn nhằm tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm nền tảng thúc đẩy tiến trình CN hóa đất nước.

Cần xác định DN lớn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển CN hóa, là đầu tàu ứng dụng khoa học công nghệ của nhiều ngành CN. Thực tế, DN lớn luôn tạo ra nhu cầu cho các DN nhỏ tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. Đứng trước cơ hội và thách thức của xu thế hội nhập, DN lớn cần đi đầu trong việc tái cấu trúc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức mạnh phòng vệ cho DNNVV trước sức ép từ khối FDI.

Chính phủ đồng hành, có chính sách hỗ trợ cho DN lớn để họ gánh vác sứ mệnh phát triển ngành CN của quốc gia, có quyết sách kịp thời tạo điều kiện để DN lớn liên kết với DNNVV.

Hiện, Việt Nam đang thiếu nền tảng phát triển các ngành CN phụ trợ dẫn đến năng lực cạnh tranh của DN kém cả về quy mô, công nghệ, thương hiệu và trình độ quản lý. Các DN lớn chưa đủ khả năng phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, chưa đủ năng lực để lựa chọn, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các DN nhỏ. Mối quan hệ giữa DN lớn với DNNVV trong cùng ngành chẳng những không bổ sung mà còn trở thành đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau. Đây là một nghịch lý của quá trình phát triển ngành CN đang diễn ra ở nước ta.

Vì vậy, chiến lược phát triển CN quốc gia giai đoạn 2020-2025 cần định hướng rõ vai trò của DN lớn dẫn dắt DNNVV trong từng nhóm ngành cụ thể trên các khía cạnh về nhu cầu cung ứng phụ trợ, công nghệ, cơ sở hạ tầng sản xuất...

Việc xác định rõ vai trò này sẽ đảm bảo nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa bằng cách xây dựng bộ tiêu chí cụ thể để hằng năm đánh giá, bổ sung, có chính sách khuyến khích riêng. Hỗ trợ ưu tiên cho hoạt động có sự liên kết giữa DN lớn với DNNVV chẳng hạn như: chuyển giao công nghệ sản xuất phụ trợ, trợ giúp vốn, đào tạo nhân lực tay nghề cao...

Định hướng các DN lớn ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất kinh doanh, xem họ là trung tâm tiếp cận công nghệ mới để lan tỏa cho các vệ tinh. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa DN dẫn dắt với các trường, viện đào tạo trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp. Và phải xác định rõ chính sách hỗ trợ DN không phải việc riêng của các cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, chính sách ưu đãi ít phát huy hiệu quả bằng chính sách trợ giúp DN ở các mảng: tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, mặt bằng.

Sức mạnh cộng hưởng

Chính sách trợ giúp thực hiện thông qua cơ chế thúc đẩy mối liên kết giữa các chủ thể: DN đầu cuối - DN phụ trợ; DN - trường/viện đào tạo;  DN - ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Trong đó, các hội DN ngành nghề giữ vai trò cầu nối, Nhà nước tạo cơ chế khuyến khích liên kết.

Liên kết phát triển ngành CN quốc gia có sự hợp lực của ba khu vực Nhà nước, tư nhân và khối FDI theo cơ chế thiết lập được đảm bảo bằng việc xây dựng các cụm ngành CN mở, phát triển liên kết vùng, tận dụng lợi thế địa phương trong mỗi ngành kinh tế. Đồng thời, đảm bảo tính kết nối giữa DN các đô thị trung tâm TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng với DN các địa phương nhằm phát huy khả năng lan tỏa công nghệ, tạo sự gắn kết các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Chiến lược thu hút FDI tạo nền tảng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài phát triển bền vững, ăn sâu, bám rễ tại Việt Nam, bổ khuyết cho những khâu giữ vai trò dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành mà DN bản địa không đảm đương được. Việc hạn chế tác động chèn lấn DN bản địa bằng cách thu hút DN FDI thế hệ mới với công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kích cầu thị trường lao động chất lượng, nâng cao trình độ công nghệ và quản trị cho người lao động. Đây là một trong những biện pháp góp phần lan tỏa giá trị tiến bộ của FDI cho nền kinh tế.

Sự cộng hưởng DN bản địa với khối FDI chỉ có thể phát huy tốt trong môi trường kinh doanh thông thoáng, đủ các điều kiện của hệ thống cung ứng: Kết nối hạ tầng, nhân lực, dịch vụ công, logistics... Bên cạnh đó, cần xem xét lại tác động của chính sách ưu đãi về thuế, chi phí mặt bằng đối với FDI và chú trọng quản lý nguồn thuế, chống chuyển giá, đảm bảo sự công bằng và năng lực cạnh tranh giữa các DN.

Song song với đó, việc xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong nước và quốc tế phải đi cùng với quy hoạch vùng, tránh trùng lắp lãng phí, triệt tiêu động lực phát triển giữa các địa phương. Cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất cho DN tư nhân, giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng cho DN bằng chính sách hỗ trợ cho các công ty đầu tư hạ tầng (đặc biệt các dự án giao thông, dịch vụ logistics, viễn thông...).

Bên cạnh đó, xây dựng Chính phủ thông minh, công chức liêm chính, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đúng với tinh thần chính quyền đồng hành cùng DN.

Cần xã hội hóa các loại hình dịch vụ công để thay đổi tư duy “làm thay cho DN” sang cơ chế tạo điều kiện, cơ hội để “DN tham gia” bởi vì DN mới chính là chủ thể trung tâm của các hoạt động kinh tế. Các dự án phát triển hạ tầng giao thông, viễn thông, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế... tiếp tục triển khai mạnh theo hình thức đối tác công tư để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội bằng các quy định rõ ràng, công khai minh bạch trong lựa chọn đối tác.

Các chương trình mua sắm công cũng nên định hướng sử dụng một phần sản phẩm do các DNNVV, DN khởi nghiệp sản xuất khi có nhu cầu.

Đặc biệt, các chương trình liên kết giữa các địa phương trong và ngoài nước cần hướng đến cơ chế tạo điều kiện để DN có cơ hội làm ăn với bên ngoài thông qua phát động của chính quyền. Các chương trình liên kết hợp tác được thiết kế dựa trên nhu cầu của DN khởi nghiệp của mỗi địa phương. 

LIÊN KẾT
FANPAGE