Nguyên tắc “độc lập chính sách tiền tệ” có bị phá vỡ?

Date: - View: 73 - By:

TS HUỲNH THANH ĐIỀN

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn can thiệp vào chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Một trong những công cụ chính sách mà ông Trump nhắm đến là lãi suất. Trong bối cảnh nóng lòng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ông đang tìm cách gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed), đặc biệt là cá nhân Chủ tịch Jerome Powell, yêu cầu cơ quan này phải nhanh chóng hạ lãi suất.

Trong bối cảnh, Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để áp dụng mức thuế thuế quan cao hàng nhập khẩu vào Mỹ và đặc biệt cao với hàng hóa từ Trung Quốc. Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng thuế quan cao có thể làm gia tăng lạm phát và gây khó khăn cho việc kiểm soát giá cả . Do vậy, Fed cần duy trì sự độc lập để thực hiện chính sách tiền tệ một cách hiệu quả .

Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất như mong muốn, thậm chí tuyên bố rằng việc chấm dứt nhiệm kỳ của ông Powell "không thể đến sớm hơn" . Tuy nhiên, theo luật pháp hiện hành, Chủ tịch Fed không phải là một chức danh "phục tùng Tổng thống" như các bộ trưởng nội các. Đây là vị trí trong Hội đồng Thống đốc của Fed – cơ quan được bổ nhiệm bởi Tổng thống, phê chuẩn bởi Thượng viện, với nhiệm kỳ Chủ tịch là 4 năm và tư cách thành viên Hội đồng có thể kéo dài đến 14 năm. Mặc dù luật cho phép Tổng thống “miễn nhiệm vì lý do chính đáng,” nhưng điều này chưa từng có tiền lệ và chưa được kiểm chứng tại tòa án.

Theo quy định hiện hành của Hoa Kỳ, Fed được thiết kế để hoạt động độc lập với các áp lực chính trị, vốn dĩ được xem một nguyên tắc cốt lõi của hệ thống tài chính Mỹ. Mục tiêu của mô hình độc lập này nhằm đảm bảo các quyết định về lãi suất, cung tiền và ổn định giá cả không bị thao túng bởi các toan tính chính trị ngắn hạn, mà được đưa ra trên cơ sở khoa học kinh tế, dữ liệu thị trường và lợi ích dài hạn của nền kinh tế quốc gia.

Việc Tổng thống Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Powell và đe dọa sẽ chấm dứt nhiệm kỳ của ông chỉ vì Fed không tuân theo yêu cầu giảm lãi suất có thể được nhìn nhận như một hành động mang tính can thiệp hành pháp vào chính sách tiền tệ độc lập. Điều này không chỉ đặt ra những lo ngại về tính đúng đắn trong việc sử dụng quyền lực tổng thống, mà còn tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai. Nếu các đời tổng thống sau cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, tính độc lập của Fed và rộng hơn là sự ổn định của thị trường tài chính có thể bị xói mòn nghiêm trọng.

Cũng cần lưu ý rằng những phát ngôn và đe dọa như vậy xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Trump đang tái triển khai các chính sách thương mại mang tính bảo hộ, bao gồm gia tăng thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn. Điều này khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ phải giảm lãi suất để bù đắp cho rủi ro tăng trưởng, vô hình trung đặt thêm áp lực chính trị lên ngân hàng trung ương.

Dù Tổng thống Trump có thể có lý khi mong muốn chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng việc gây áp lực chính trị hoặc đe dọa sa thải Chủ tịch Fed là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này làm suy yếu nguyên tắc độc lập của ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định vĩ mô. Các quyết định kinh tế cần đến sự khách quan và dựa trên dữ liệu, việc giữ vững ranh giới rõ ràng giữa quyền lực chính trị và tính độc lập của Fed là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ổn định, minh bạch và uy tín của chính sách tiền.

LIÊN KẾT
FANPAGE